Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu - Bài 2: Tầm nhìn chung của những chủ nhân tương lai

Thanh niên cam kết đóng vai trò tích cực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh các nỗ lực thích ứng tại Việt Nam.

Thanh niên muốn được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách khí hậu. Đây là thông điệp mà các bạn trẻ muốn gửi tới các nhà lãnh đạo, cộng đồng và xã hội thông qua bản Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”.

Chú thích ảnh
Những chiếc lốp xe hỏng tưởng như bỏ đi nhưng những đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các đoàn viên, thanh niên đã biến chúng thành những đồ chơi hữu ích cho trẻ em tại nhiều trường mầm non và khu dân cư ở tỉnh Hải Dương. Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN

Nhận thức và hành động vì sức khỏe của hành tinh

Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra. Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Năm 2020, trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung đã để lại thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đợt mưa lũ tháng 10/2020 tại miền Trung đã ghi nhận 232 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ban đầu lên đến 15.576 tỷ đồng.

Nhận thức được những hệ quả tàn khốc mà biến đổi khí hậu mang lại, các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường của nhiều thanh niên Việt Nam với những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tạo thành trào lưu tốt trong toàn xã hội. Có thể kể đến nhiều chương trình thiết thực của tuổi trẻ cả nước. Đó là các hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi trồng mới 1 tỷ cây cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, vì một Việt Nam xanh; phong trào “Hành trình thứ hai của lốp xe”- tái chế lốp xe thành trò chơi cho trẻ em; Cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu...

Nhiều chương trình tình nguyện sáng tạo bảo vệ môi trường của các đội nhóm thanh niên đã được triển khai trên khắp mọi miền đất nước. Vert Xanh - dự án được thành lập bởi ba học sinh Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng không gian học tập xanh, văn minh, hiện đại cũng như thay đổi nhận thức, phát triển tư duy của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường. Green Beli - dự án giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, hoạt động bởi khoảng 15 bạn trẻ (chủ yếu là sinh viên) ở Đà Nẵng. Sasa Marine Rescue Team - Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã SASA (SST) được thành lập vào tháng 7/2018 sau lần chú cá heo có tên là Sasa bị trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng vào cuối tháng 6/2018...

Tuy nhiên, để các hoạt động vì khí hậu của thanh niên đạt được hiệu quả tối ưu, có sức lan tỏa lớn hơn ra cộng đồng và tháo gỡ được các nút thắt ..., rất cần đánh giá toàn diện, khoa học, đưa ra những kiến nghị chính xác, cụ thể và phù hợp. Chương trình Trại Khí hậu Youth4Climate 2020 và sự ra đời của bản Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" đã phần nào đáp ứng được yêu cầu này. Báo cáo thuộc chương trình “Lời hứa khí hậu” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với nguồn tài trợ từ Chính phủ các nước: Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy và Liên minh châu Âu cùng các nhà tài trợ khác.

Từ tháng 7-11/2020, ba báo cáo khu vực về thanh niên hành động vì khí hậu ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam đã được viết với sự hỗ trợ kỹ thuật của ba tổ chức xã hội do thanh niên thành lập là CHANGE, Live & Learn và Wild Act. Sau đó, một Trại viết báo cáo toàn quốc (Trại Khí hậu Youth4Climate 2020) gồm 20 tác giả trẻ, từ 15 đến 30 tuổi, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, đại diện các đội nhóm thanh niên đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam đã được tổ chức vào tháng 12/2020 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngàn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Trại viết báo cáo do UNDP và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hỗ trợ, để xây dựng bản báo cáo chung.

Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát, phỏng vấn trên quy mô lớn để thu nhận thêm đóng góp của các thủ lĩnh khí hậu trẻ. Bản dự thảo đầu tiên của báo cáo đã được hoàn thành vào tháng 2/2021, được lấy ý kiến chuyên gia và tham vấn cộng đồng trước khi công bố chính thức vào ngày 29/5/2021.

Chia sẻ cảm xúc khi Báo cáo được công bố, Hoàng Ngọc Xuân Mai (19 tuổi), Trưởng nhóm viết báo cáo cho biết: Thông qua những diễn đàn quy mô theo vùng và toàn quốc như Diễn đàn tham vấn khí hậu dành cho thanh niên, Trại Khí hậu Youth4Climate 2020, cùng với chương trình huấn luyện kỹ năng khác, các thành viên của nhóm bắt đầu thấy được nhiều sự kết nối giữa các hoạt động giới trẻ hơn. Báo cáo này sẽ hệ thống hóa hiện trạng tham gia của thanh niên vào hành động vì khí hậu, qua đó thúc đẩy các hoạt động này ngày càng lan tỏa hơn trong tương lai. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến các cộng đồng yếu thế. Nhóm muốn những hoạt động của mình được toàn diện hơn, tạo điều kiện cho thanh niên các vùng miền, với mọi hoàn cảnh khác nhau, đều có thể cùng tham gia. Xuân Mai nhấn mạnh: Nhóm viết báo cáo coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu cũng như một tác nhân thúc đẩy đổi mới. Nhóm mời tất cả mọi người đọc bản báo cáo và có những hành động táo bạo vì một hành tinh chung.

Đánh giá cao bản Báo cáo đặc biệt, Chủ tịch chỉ định Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP-26) Alok Sharma cho rằng: Đây là một báo cáo đầy nhiệt huyết, nói lên tâm huyết của tuổi trẻ, đưa ra một số ý tưởng rất rõ ràng để cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Việc hoàn thành Báo cáo này chứng tỏ tính chủ động, tiên phong của thanh niên trong hành động cùng với các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu... Mỗi hành động của thanh niên, dù là nhỏ nhưng đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tạo ra động lực cho sự tham gia của toàn xã hội”. Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu  cho biết, Cục đã phối hợp cùng với UNDP Việt Nam đồng hành với thanh niên trong việc xây dựng bản Báo cáo này. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét kỹ lưỡng các khuyến nghị của thanh niên trong báo cáo đặc biệt này và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Sẵn sàng vượt qua khó khăn

Chú thích ảnh
Các đoàn viên thanh niên trồng cây đước tại khu vực rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Báo cáo đặc biệt đã nêu ra 4 khó khăn hay nút thắt chính với thanh niên khi thực hiện các hoạt động vì khí hậu, đó là kiến thức, kỹ năng, tài chính và công nghệ. Để giải những nút thắt này, Báo cáo nêu 10 hướng giải quyết chung, trong đó nổi lên ba hướng giải quyết cơ bản.

Theo Hoàng Ngọc Xuân Mai, Trưởng nhóm viết Báo cáo, ba hướng giải quyết cơ bản đó là một cổng thông tin về biến đổi khí hậu dành riêng cho thanh niên Việt Nam. Cổng thông tin này sẽ rất cần thiết cho các bạn thanh niên muốn hành động nhiều hơn và thích ứng vào mảng dựa vào thiên nhiên và những mảng mà các bạn trẻ chưa tìm được những nguồn thông tin chính xác trên mạng Internet. Tiếp theo là những mạng lưới để hỗ trợ các đội thanh niên nhỏ lẻ bởi vì hiện nay có rất nhiều đội nhóm thanh niên khác nhau nhưng các bạn chưa có đủ những cơ hội để nâng cao năng lực như là một tiếng nói chung. Cuối cùng là một giải thưởng thanh niên có thể được tổ chức hàng năm để hỗ trợ những đóng góp, những sự sáng tạo của thanh niên trong biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động khác.

Báo cáo đặc biệt gồm 56 trang, chia ra làm 4 phần với 13 đề mục chính, 6 nhóm chủ đề: Nút thắt và hướng giải quyết chung; Giảm nhẹ và phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Giải pháp dựa vào thiên nhiên; Chính sách biến đổi khí hậu; Lộ trình hành động của thanh niên. Ở mỗi nhóm chủ đề, các tác giả đã đưa ra câu chuyện dẫn chứng, những hạn chế và những khuyến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan.

Ở chủ đề Giảm nhẹ và phát thải khí nhà kính, Báo cáo chỉ ra đây là mảng hoạt động mạnh nhất của thanh niên. Thời gian qua, nhiều dự án môi trường vận động giảm phát thải khí nhà kính của các bạn trẻ đã gây tiếng vang như Vert Xanh (Hà Nội), Green Beli (Đà Nẵng) hay Green River (Đồng bằng sông Cửu Long).  

Với Vert Xanh, đây là một dự án được thành lập bởi 3 bạn trẻ đang học Trung học Phổ thông trên địa bàn Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng không gian học tập xanh, văn minh, hiện đại cũng như thay đổi nhận thức, phát triển tư duy của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường. Trong năm 2020, Vert Xanh đã triển khai Vert Tour - chuỗi sự kiện điểm nhấn nhằm lắp đặt mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn tại các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện chính Vert Tour - Chim báo bão đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 1800 bạn học sinh đến từ các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông ở Hà Nội.

Mặc dù đã có những thành công bước đầu, song do vận hành bởi nhóm các bạn trẻ, dự án gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động cho các sự kiện, cách thức kết nối chuyên gia môi trường hỗ trợ, tư vấn dự án và làm việc với các nhà trường học. Những khó khăn của Vert Xanh cũng là khó khăn chung mà các dự án có hoạt động tương tự như Green Beli (Đà Nẵng), Green River (Đồng bằng sông Cửu Long) gặp phải.

Báo cáo đã chỉ ra rằng, mặc dù thanh niên hoạt động trong mảng này thường vững chuyên môn kỹ thuật, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và kỹ năng truyền thông, xây dựng dự án, mô hình kinh doanh. Các nhóm thanh niên chưa được đa dạng. Nhiều nhóm chỉ gồm các bạn trẻ đã và đang theo học chuyên ngành kỹ thuật tại các trường đại học ở thành phố. Bên cạnh đó, các hoạt động chưa hướng tới được nhiều đối tượng, trong khi đặc thù các dự án giảm nhẹ cần phải truyền thông đến nhiều đối tượng để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Hiện nay, thanh niên chỉ truyền thông hiệu quả nhất đến nhóm đối tượng ở cùng độ tuổi.

Từ đây, Báo cáo đề xuất hướng giải quyết ưu tiên là thiết lập học bổng sáng tạo cho thanh niên và các nhóm cố vấn dự án với mục tiêu hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các dự án.

Chủ đề thích ứng với biến đổi khí hậu là mảng hoạt động mà thanh niên gặp nhiều khó khăn khi xây dựng dự án lâu dài. Trong 387 thanh niên được khảo sát, 27,4% hoạt động trong mảng thích ứng. Tuy nhiên, đa số các bạn tham gia hoạt động này là tình nguyện viên theo đợt của tổ chức Đoàn Thanh niên hoặc các tổ chức khác mà chưa xây dựng được dự án của riêng mình. Hướng giải quyết cho chủ đề này là tập huấn kỹ năng cho thanh niên địa phương; tuyển thanh niên địa phương vào các dự án ứng phó có sẵn.

Ở chủ đề giải pháp thuận dựa vào thiên nhiên nhiên, nhiều dự án xanh hóa đô thị, sản phẩm dựa vào thiên nhiên, truyền thông giáo dục về dựa vào thiên nhiên đã được triển khai. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều dự án bảo tồn.

Theo Báo cáo, “dựa vào thiên nhiên” được cho là khái niệm mới. Do đó, thanh niên gặp khó khăn khi thuyết phục các bên liên quan ủng hộ và tham gia vào dự án. Báo cáo đề xuất hình thành các “Tour trải nghiệm” giải pháp dựa vào thiên nhiên. Theo đó, chương trình tour cuối tuần cho thanh niên quan tâm đến giải pháp dựa vào thiên nhiên để các bạn trải nghiệm, đóng góp và học hỏi từ các mô hình thành công.

Ở chủ đề chính sách biến đổi khí hậu, Báo cáo cho thấy phần lớn thanh niên tham Việt Nam tham gia khảo sát cho biết đã biết về Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (chiếm 74,9%). Tỷ lệ chưa chắc chiếm 12,9% và tỷ lệ chưa biết về Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu chiếm 12,1%. Như vậy, đa số thanh niên Việt Nam đã có sự tiếp cận thông tin về Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự hiểu biết của thanh niên Việt Nam về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là cơ chế hiện thực hóa Thỏa thuận chung Paris hiện nay còn thấp.

Đặc biệt, Báo cáo lưu ý đa số thanh niên Việt Nam chưa nhận ra đầy đủ vai trò của mình trong quá trình hoạch định chính sách về môi trường, khí hậu. Khảo sát của nhóm tác giả cho thấy, 60,5% thanh niên trả lời cho rằng hiện các nguồn thông tin về chính sách biến đổi khí hậu quá khô khan và khó hiểu, khiến các bạn không thể dễ dàng tự nghiên cứu khi cần. Đây là một rào cản lớn trong quá trình phổ cập chính sách.  

Báo cáo cho biết hiện 42,7% thanh niên chưa bao giờ hoạt động chính sách, phần lớn do suy nghĩ tiếng nói người trẻ không có ảnh hưởng. Ngoài ra, có yếu tố khách quan là đại diện các hội nhóm, tổ chức thanh niên chưa được tham dự các buổi tham vấn chính thức về chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu. Hướng giải quyết được đưa ra là nghiên cứu về độ cập nhật chính sách; truyền thông phổ cập chính sách và hình thành các Nhóm làm việc của Thanh niên về chính sách.

Với những nội dung trên, bản Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đã vẽ nên một bức tranh toàn diện hoạt động vì khí hậu của thanh niên Việt Nam. Các kết quả khảo sát nêu trong Báo cáo giúp nhận diện rõ hơn các nút thắt, đề xuất hướng giải quyết thích hợp để các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay và mai sau thực sự phát huy nhiệt huyết, sức sáng tạo cho mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phát triển bền vững, vì một hành tinh sạch - xanh./.

Bài cuối: Thanh niên Việt Nam hành động hướng tới COP-26

Việt Đức (TTXVN)
Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu - Bài 1: Chạy đua với biến đổi khí hậu
Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu - Bài 1: Chạy đua với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn các hành động ứng phó của nhân loại. Điều này đòi hỏi tất cả quốc gia, bao gồm Việt Nam, cần đề ra những mục tiêu cụ thể và thiết thực hơn nhằm thúc đẩy sự chung tay của toàn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN