Thanh niên không chỉ tự hào mà còn phải hành động

Nhìn về quá khứ, ai cũng thấy tự hào về thế hệ thanh niên đầu tiên đã từng nắm nhiều vai trò quan trọng khi Đảng ta mới ra đời ngày 3/2/1930 với các tên tuổi như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Cừ…

Tiếp đó là thế hệ thanh niên nam nữ ưu tú đã tham gia vào cuộc cách mạng Tháng 8/1945 giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Rồi hàng triệu thanh niên đã đóng góp vẻ vang vào cuộc kháng chiến ròng rã suốt 9 năm trời chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ. Từ lớp thanh niên này đã nổi lên các tên tuổi như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan, Phan Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và nhiều người khác mà mỗi khi nhắc đến họ ai cũng thấy tự hào, hãnh diện và khâm phục.

Phong trào “Ba sẵn sàng” do Thành đoàn Hà Nội phát động năm 1964 đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong thanh niên, lôi cuốn hơn 80 nghìn đoàn viên, thanh niên Thủ đô tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc chưa được bao lâu, với phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng triệu đoàn viên thanh niên lại đem hết sức lực, trí tuệ và tuổi trẻ của mình lao vào việc xây dựng và bảo vệ Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và “xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối. Trong cuộc kháng chiến thứ hai này của dân tộc đã làm nổi lên các tên tuổi như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương và hàng trăm, hàng nghìn anh hùng, liệt sỹ khác không thể kể ra hết đã hy sinh tính mạng và tuổi trẻ của mình trong các trận chiến ác liệt ở Đường 9 Nam Lào, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Đồng Xoài, Buôn Ma Thuột và đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc bằng việc giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của đất nước.

Sau ngày thống nhất, hàng vạn thanh niên lại phải tiếp tục cầm súng đánh bại bọn giặc Pôn Pốt xâm lược ở biên giới Tây Nam và tham gia vào “cuộc viễn chinh đi cứu bạn” ở Campuchia nhằm tiêu diệt hoàn toàn chế độ ác ôn diệt chủng trên đất nước chùa Tháp vào cuối những năm 1970. Tiếp đó, thế hệ thanh niên này lại phải đương đầu với cuộc xâm lược của bọn xâm lược bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và đã đánh bật chúng ra khỏi đất nước ta vào ngày 17/2/1979.

Tuổi trẻ hôm nay kế tiếp truyền thống vẻ vang của cha anh. Ảnh: Hoàng Ngà –TTXVN

Thắng giặc xong, những thanh niên ấy lại tham gia vào công cuộc Đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, đồng thời vẫn phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc như cuộc chiến không cân sức với giặc phương Bắc ở Đảo Gạc Ma, trong đó 64 thanh niên ưu tú của chúng ta đã anh dũng hy sinh. Trong sự nghiệp Đổi mới mà nội dung cơ bản là đẩy mạnh phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân, từng bước tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế…, triệu triệu thanh niên đã và đang có nhiều cống hiến to lớn vào các phong trào do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động.

Với truyền thống vẻ vang qua các thời kỳ, các thế hệ thanh niên có quyền tự hào về các thế hệ cha anh để ngẩng cao đầu đi tới. Nhưng trước những nhiệm vụ và sứ mệnh to lớn đang đặt ra như đã nêu trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và trong bối cảnh hiện trạng đất nước và tình hình trên quốc tế, đặc biệt ở Biển Đông hiện nay, nếu là những thanh niên hiểu biết, có suy nghĩ, có lương tâm và đạo đức trong sáng không thể không đặt ra trách nhiệm phải hành động sao đây để xứng đáng với Tổ quốc vinh quang, dân tộc anh hùng và các thế hệ cha anh đi trước trong hơn 8 thập kỷ qua.

Để đáp lại công ơn đó, trong giai đoạn bước ngoặt này của lịch sử, thanh niên chúng ta không chỉ biết tự hào mà còn phải suy nghĩ và hành động sao cho xứng đáng và chuẩn xác. Chúng ta phải luôn ý thức rằng ở thời đại nào thanh niên cũng là rường cột, là người xây dựng và người chủ tương lai của đất nước.

(Còn nữa)
Hồ Đức Minh
Hơn 2.000 thanh niên Hà Nội viết đơn xin nhập ngũ
Hơn 2.000 thanh niên Hà Nội viết đơn xin nhập ngũ

Trong năm 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 2.000 thanh niên viết đơn xin nhập ngũ, đặc biệt nhiều thanh niên là trí thức trẻ, cán bộ công chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN