Thanh Hóa: Hiu hắt những làng nghề mây tre

Làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị “chìm”, đây là thực trạng buồn của những làng nghề mây tre đan ở xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Công dày, lãi mỏng

Vẫn biết nghề đan lát kiếm chẳng đủ ăn, nhưng những người ở thế cùng vẫn phải giữ cái nghề cha ông để lại. Theo ông Yên (làng Quang Tuyền), với 5 lao động chính khỏe mạnh trong hai ngày có thể làm được một bộ thúng (gồm 6 cái), bán buôn được khoảng 80.000 đồng. Trong khi đó tiền mua cây vầu đã khoảng 30.000 – 35.000 đồng/cây, chưa kể các công đoạn chế biến nguyên liệu hết sức vất vả và cực nhọc.

Chỉ còn thưa thớt vài gia đình bám nghề. Như Tuyết


Người dân đan thúng thường rơi vào tình cảnh: “Bán cao giá thì người khác không mua, bán thấp giá thì thà biếu không còn hơn”. Cùng cực và khó xoay chuyển cuộc sống, họ đành bỏ nghề truyền thống. Hiện nay, làng Quang Tuyền có khoảng 50/100 gia đình làm nghề đan lát, nhưng hầu hết đều theo kiểu “làm tranh thủ”, còn lại, chủ yếu là các cụ già đã cao tuổi, những phụ nữ nhiều tuổi không đi làm công nhân được và những người bị tàn tật. Ông Phạm Văn Chinh, 75 tuổi, than thở “Nếu lớp các ông bà mà ra đi hết, chắc làng cũng mất luôn nghề”.

Cùng trong tình cảnh này với làng Quang Tuyền là làng Phú Đa, vốn được xem là làng còn phát triển nghề đan nhiều nhất, giờ cũng chỉ có những người thợ làm theo kiểu “tranh thủ”. Chỉ duy nhất có một gia đình tham gia làm hàng xuất khẩu là gia đình anh Lê Văn Chinh. Với 5 lao động, gồm hai vợ chồng anh, hai ông bà và một đứa con, những tưởng cuộc sống của gia đình anh sẽ được cải thiện và nghề truyền thống dần được phục hồi. Nhưng anh Chinh cho biết: “Bình quân một người làm quần quật từ sáng đến 8 giờ tối cũng được khoảng 10.000 đồng”. Anh cho biết thêm, hầu hết những người đặt hàng nhà anh đều là những chủ tư nhân nên họ ép giá, gia đình nào nhận thì nhận, họ không cần. Đó là chưa tính đến những ngày không có người đặt hàng thì gia đình anh lại thất nghiệp.

Thiếu vốn - tư nhân ngắc ngoải

Những người dân làm nghề cho hay, trước đây một thời gian, làng có phát triển các hình thức sản xuất như “mây giang xiên”, “nứa ép” nhằm sản xuất các mặt hàng đan mỹ nghệ, nhưng chỉ được một thời gian rồi cũng bị đổ bể. Chủ tư nhân bỏ vốn ra sản xuất chính là ông Phạm Văn Khắc, ở xóm Trang. Ông Khắc bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua sắm trang thiết bị máy móc, đào tạo lao động. Nhưng một trận hỏa hoạn đã cướp đi toàn bộ tài sản và tâm huyết của ông. Cách đây khoảng một tháng, trong huyện xuất hiện xưởng sản xuất tăm tre nhưng người chủ cũng thiếu vốn và theo đánh giá của nhiều người, nó cũng khó mà tồn tại lâu dài.

Cũng có rất nhiều tư nhân muốn làm giàu bằng chính nghề truyền thống cha ông để lại, song họ luôn gặp những khó khăn, vì thế, không ít người nản chí, hoang mang.

Phát triển làng nghề là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, muốn phát triển làng nghề mây tre đan ở Quảng Đức, có lẽ cần phải giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất xưa, bằng thói quen sản xuất hàng hóa phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Và một điều quan trọng nữa đó chính là cần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm và vai trò của những người lãnh đạo ngay tại làng xã, để có thể tìm được hướng đi cho làng nghề, tìm được những giải pháp trong việc huy động vốn, tiếp thu những kỹ thuật mới, mẫu mã mới, đào tạo người dân làm hàng xuất khẩu…

Như Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN