Thanh Hóa: Đường vừa làm xong đã hỏng

Đoạn đường trên đê từ ngã ba thị trấn Bút Sơn đến xã Hoằng Phúc (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mới làm xong đã bị bong tróc, xuống cấp.

Con đường chắp vá mới như... cũ.

Thực trạng này khiến chủ đầu tư không thể nghiệm thu, bàn giao công trình và phải yêu cầu nhà thầu sửa chữa. Tuy nhiên, người dân lo ngại việc “chữa cháy” kiểu chắp vá thì khó đảm bảo chất lượng công trình về lâu dài.

Đoạn đường trên đê từ thị trấn Bút Sơn (huyện Hoằng Hóa) đến xã Hoằng Phúc dài 1,4km nằm trong dự án nạo vét sông Lạch Trường do Ban Quản lý dự án giao thông II (Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư) triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng. 

Trong dự án này, phần làm đường trên đê có tổng chiều dài 24 km, trong đó đoạn từ ngã 3 thị trấn Bút Sơn đến xã Hoằng Phúc dài 1,4 km được đổ bê tông bề rộng mặt đường khoảng 5 m và dày 20 - 24 cm. Đến nay nhà thầu đã thi công xong nhưng chưa thể nghiệm thu công trình.

Ông Lê Đức Nguyên ở thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc cho biết: “Nhà tôi ở ngay bên bờ đê sông Lạch Trường, nhiều hôm tôi thấy đường bẩn lấy chổi ra quét nhưng mới quét được vài lát chổi thì sỏi, đá đã bị bật lên, đường thì bụi mù”. 

Cũng theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, nhiều đoạn đường trên đê này cũng bị bong tróc, có đoạn bị hằn vệt bánh xe lớn. Nhiều đoạn lớp xi măng trên bề mặt đường bong hết còn trơ đá lởm chởm gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Nhà thầu đang tiến hành sửa chữa đoạn đường bị hư hỏng.

Trước thực trạng trên, người dân thôn Tế Độ đã kiến nghị lên UBND xã Hoằng Phúc, UBND huyện Hoằng Hóa và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa. Qua tiến hành kiểm tra, Ban Quản lý dự án giao thông II cũng nhận thấy nhiều đoạn đường trên đê không đạt yêu cầu, nên không nghiệm thu công trình, yêu cầu nhà thầu phải khẩn trương tu sửa lại những đoạn hư hỏng.

Lý giải về nguyên nhân xuống cấp nhanh chóng của công trình, ông Lê Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông II cho biết: Đoạn đường trên đê này có tới 3 bãi cát nên thường xuyên có xe tải chở cát quá tải trọng đi lại trên mặt đê. Đặc biệt trong thời điểm đường mới làm chưa qua 48 giờ để bê tông đủ độ cứng, nhưng nhiều xe tải chở cát vẫn đi qua. 

Trước đó Ban Quản lý dự án giao thông II cũng đã phối hợp với UBND xã Hoằng Phúc tiến hành lập gác chắn ở 2 đầu đoạn đường mới làm, có công an xã chốt trực. Nhưng đến tối nhiều xe tải chở cát đã bất chấp húc đổ gác chắn để đi trên mặt đê. Tuyến đường trên đê cũng là tuyến đường liên xã đi qua các xã Hoằng Phúc, Hoằng Hà, Hoằng Đạt... nên có đông người dân đi lại. Hơn nữa lực lượng công an xã không thể cấm người dân đi về nhà mình. Đây là lý do làm con đường bê tông không giữ được lớp hồ trên bề mặt gây ra tình trạng bong tróc trồi đá lởm chởm.

Để khắc phục những đoạn hư hỏng, Ban Quản lý dự án giao thông II đã yêu cầu nhà thầu phải đổ thêm một lớp bê tông dầy ít nhất 5cm. Trong thời gian sửa chữa, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho tạm dừng 3 mỏ cát trên đê đến khi nhà thầu thi công xong để đảm bảo chất lượng.

Tin, ảnh: Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Đường bộ phá thế “sông ngăn cách trở”
Đường bộ phá thế “sông ngăn cách trở”

Trong 5 năm qua, tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công trình giao thông hiện đại đạt chuẩn khu vực và quốc tế đã kết nối khu vực, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN