Tham gia Bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn dự kiến

Sau hơn 2 năm triển khai Luật Bảo hiểm thất nghiệp, tính đến hết tháng 12/2010, toàn quốc có 7,05 triệu người tham gia BHTN (chiếm 75% số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc), tăng gần 20% so với năm 2009. Tổng mức thu từ nguồn này là 8.300 tỷ đồng. Số lượng người tham gia BHTN cao hơn rất nhiều so với dự kiến, và tập trung nhiều tại các thành phố lớn, như TP.HCM (71.506 người), Bình Dương (54.281 người), Đồng Nai (22.945 người) và Hà Nội (5.084 người).

Người lao động đăng ký để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại điểm Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN

Đánh giá của cơ quan quản lý về tình hình thực hiện BHTN cũng tỏ ra lạc quan. Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với 1% quỹ tiền lương phải bỏ ra, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tự giác thực hiện, số DN tại nhiều địa phương tham gia BHTN chiếm tỷ lệ lớn.
Tại Hà Tĩnh, báo cáo của trung tâm giới thiệu việc làm cho thấy, nếu như số DN, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia BHTN là 1.735, thì số đơn vị tham gia lên tới 1.361. Ông Phạm Thanh Giang, Giám đốc một DN khai thác đá đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tình hình kinh tế mấy năm trở lại đây có nhiều biến động, việc làm của người lao động (NLĐ) cũng thiếu bền vững, vì thế chính sách BHTN sẽ là một giải pháp tốt cho NLĐ nếu không may bị mất việc làm.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Thực phẩm Minh Hương cũng cho rằng, việc DN chủ động đóng BHTN cho NLĐ, thực ra, cũng là một cách để giữ chân lao động. Khi NLĐ được hưởng đầy đủ những phúc lợi tối thiểu, họ sẽ làm việc bằng chính khả năng, chứ không phải là làm việc một cách đối phó.

Vẫn còn những bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì BHTN cũng bộc lộ những bất cập và hạn chế khi thực hiện. Đó là tình trạng NLĐ tìm cách lách luật, nghỉ việc để hưởng quyền lợi, dẫn đến tình trạng nhảy việc. Đơn cử như ở tỉnh Bình Dương, với nhu cầu tuyển dụng hằng năm khá lớn (khoảng trên 50.000 người) nhưng năm qua số người đến Trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký BHTN đã “ngót nghét” đến… hơn 49.000 người. Như vậy, làn sóng thất nghiệp “ảo” trên địa bàn khá lớn. Phần lớn NLĐ không bị thất nghiệp mà tự ý xin nghỉ việc khi có đủ 12 tháng đóng BHTN để được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Điều này cũng làm cho DN không ổn định về lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình trạng này tồn tại ở nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp…

Có một vấn đề cũng rất đáng lưu ý là, ngoài việc phải hỗ trợ cho NLĐ khi thất nghiệp, BHTN còn phải có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ. Thế nhưng, tính đến hết năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 300 người thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề. Lý giải hiện tượng này, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng thị trường lao động hiện nay chủ yếu tuyển lao động phổ thông nên NLĐ dù có học nghề cũng chỉ làm lao động phổ thông. Bên cạnh đó, việc quy định đào tạo nghề không quá 6 tháng, trình độ sơ cấp, khiến nhiều lao động thất nghiệp không muốn học nghề.
Nhìn lại 1 năm thực hiện chi trả BHTN, ông Lê Quang Trung cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Điển hình là sự thiếu công bằng giữa các đối tượng tham gia BHTN. Luật Bảo hiểm Xã hội quy định, các đơn vị thuộc đối tượng tham gia BHTN phải có từ 10 NLĐ trở lên. Điều này chưa thể hiện sự công bằng trong chính sách đối với đơn vị có 9 NLĐ và những người làm việc trong các DN nhỏ (dễ mất việc hơn các DN vừa và lớn). Mặt khác, đây là điều kiện nảy sinh hiện tượng lách luật, trốn đóng BHTN của các đơn vị (khai giảm số lao động), gây ra việc đánh giá tỷ lệ tham gia BHTN không chính xác. Vì thế, cần quy định tất cả các đơn vị, cá nhân có thuê mướn NLĐ làm việc thường xuyên đều được tham gia BHTN.

Chi trả bảo hiểm thất nghiệp - còn nhiều bất cập

Thực hiện chi trả từ ngày 1/1/2010, đến nay, theo báo cáo của các địa phương, khoảng 177.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tổng số 225.000 người đăng ký thất nghiệp với tổng số tiền 544 tỷ đồng. Dù được đánh giá bước đầu thành công nhưng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn những vấn đề khá “nóng” sau hơn một năm thực hiện chi trả.

Bên cạnh đó là sự cào bằng mức hưởng. Luật Bảo hiểm Xã hội quy định điều kiện giới hạn khoảng thời gian đóng BHTN rộng, nhưng mức hưởng trợ cấp lại hẹp. NLĐ đóng vào quỹ BHTN đủ 12 tháng đến 36 tháng đều được hưởng ba tháng trợ cấp. Quy định này làm cho NLĐ sau một năm làm việc, tìm cách nghỉ việc tạm thời, đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp. Do vậy, cần sửa đổi thời gian đóng và thời gian hưởng. Ví dụ, đóng đủ 12 tháng khi mất việc được hưởng ba tháng trợ cấp thì đóng đủ 24 tháng được hưởng bốn tháng, đóng đủ 36 tháng được hưởng năm tháng…

Hiện nay chưa có quy định rõ trách nhiệm và mức bồi thường đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng các chế độ BHTN. Chẳng hạn DN nợ BHXH nên việc chốt sổ BHXH cho NLĐ không được thực hiện hoặc không kịp thời dẫn đến quá thời hạn được hưởng trợ cấp. Do đó, phải quy định cụ thể việc xử lý vi phạm của các bên liên quan.

Chính vì những lẽ trên, trong thời gian tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi Luật Bảo hiểm thất nghiệp để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ song cũng tránh “đền bù ảo” như đã nêu trên.

Lý Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN