Thái Nguyên phản hồi vụ xây phù điêu 'khủng' tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp

Về vấn đề này, ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên khẳng định: Thông tin về việc xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thái Nguyên) có kích thước không phù hợp, không đảm bảo thẩm mỹ, xây phù điêu đội vốn theo phê duyệt ban đầu là những thông tin không có cơ sở, phản ánh một chiều, thiếu chính xác...

Theo Quyết định số 2386/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 24/10/2014, Dự án công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp có tổng diện tích trên 46.000 m2, xây dựng tại trung tâm thành phố Thái Nguyên với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng do Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thành phố Thái Nguyên làm chủ đầu tư, được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác.

Các hạng mục chính của công trình gồm: Sân Quảng trường với diện tích 10.064 m2; sân lễ đài; sân khấu trung tâm; phù điêu; vườn hoa; khu cảnh quan bên sông Cầu... Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến hết năm 2018. Riêng hạng mục xây dựng phù điêu tại Quảng trường được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 3039/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 với quy mô 2 tấm x 2 mặt/tấm, dự kiến chiều dài 36m và cao 3m mỗi tấm, đảm bảo được yếu tố là công trình nghệ thuật điêu khắc, khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sử dụng chất liệu bảo đảm độ bền vững cao...

Quá trình thực hiện hạng mục này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã tuân thủ đúng chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc thành lập Hội đồng nghệ thuật với sự tham gia của các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà điêu khắc, giảng viên mỹ thuật hàng đầu Việt Nam trong tổ chức thi sáng tác mẫu phác thảo phù điêu. Đầu năm 2015, sau khi tiến hành thi tuyển rộng rãi, công khai, Hội đồng nghệ thuật đã chấm, trao giải nhất cho mẫu phác thảo có mã số HP 0156 với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên" của nhóm tác giả thuộc Doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển xây dựng Mỹ thuật Gia Linh (có trụ sở tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định số 1144/QĐ-UBND, ngày 21/5/2015 phê duyệt kết quả thi tuyển và tiếp tục có công văn số 1416/UBND - VX ngày 5/6/2015 giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan, đơn vị tư vấn thiết kế hoàn chỉnh phương án để triển khai thực hiện. Trên cơ sở tham vấn của các ngành, đơn vị liên quan, ngày 21/7/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có quyết định số 1785/QĐ - UBND về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp thành phố Thái Nguyên, trong đó hạng mục phù điêu có chiều cao đỉnh 9,5m; phù điêu có hình dáng thay đổi tiết diện theo từng cao độ...

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đã có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu triển khai hoàn thiện thiết kế xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp để đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, mỹ thuật, độ an toàn, bền vững của công trình. Ngày 11/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ra thông báo số 286/TB-TU với nội dung là cơ bản nhất trí với nội dung mẫu phác thảo phù điêu quảng trường tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên do UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị tại tờ trình số 83/TTr-UBND ngày 28/5/2016; đồng thời giao UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện mẫu phác thảo phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp...

Ngày 15/12/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có kế hoạch trưng cầu ý kiến của các nhà quản lý, nhà chuyên môn và người dân về phác thảo phù điêu với chiều cao tính từ cốt 0: 0 là 10m50 và chiều dài là 37m để hoàn thiện, bổ sung phác thảo trước khi thi công.

Sau khi dựng mẫu phù điêu bằng phông bạt với tỷ lệ 1:1 trong thời gian từ 19/12/2016 đến ngày 5/1/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã tổng hợp các ý kiến đóng góp, trong đó đa phần các ý kiến của các tổ chức đoàn thể, người dân địa phương, câu lạc bộ hưu trí... đều đồng ý với kích thước phù điêu như phác thảo và chỉnh sửa, lược bớt các khắc họa cây cối, tỷ lệ cân đối các khắc họa người trên phù điêu.

Tại cuộc họp thống nhất quy mô, nội dung phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên vừa tổ chức ngày 9/1/2017, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bố cục tổng thể của phù điêu so với kiến trúc, cảnh quan chung là hợp lý, nhất trí với tỷ lệ phù điêu như đề xuất (9,8 x 37m); đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành chỉnh sửa một số khắc họa trên phù điêu cho phù hợp.

Tại cuộc họp này, tất cả các thành viên Hội đồng nghệ thuật, đại diện Công ty tư vấn kiến trúc Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nhất trí với việc xây dựng phù điêu theo kích thước 9,8 m x 37 m...

Như vậy, có thể thấy, toàn bộ các thủ tục, hồ sơ pháp lý cũng như công tác triển khai các hạng mục xây dựng phù điêu Quảng trường Võ Nguyên Giáp đều được thực hiện theo đúng quy trình đã được phê duyệt, mọi sự thay đổi chi tiết của phù điêu, nhất là chiều cao và chiều dài, các chi tiết mỹ thuật đều có sự báo cáo của đơn vị tổ chức thực hiện và được sự chấp thuận từ phía Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Sau cuộc họp của Hội đồng nghệ thuật ngày 9/1/2017, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên mới có tờ trình về việc đề nghị phê duyệt mẫu phác thảo phù điêu. Sau khi được phê duyệt, Sở mới có căn cứ xây dựng dự án, dự toán thiết kế thi công công trình.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên

ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 1/1/1997, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN