Thách thức giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số?

Tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện vẫn cao gấp 2,5 lần tỷ lệ bình quân của cả nước; việc giảm nghèo cho đồng bào DTTS thời gian tới khó khăn hơn và cần đầu tư nhiều hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Đó là nhận định chung được nhấn mạnh tại Hội thảo "Giảm nghèo nhanh, bền vững vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2011 - 2015" do Ủy ban Dân tộc (Việt Nam) và Liên hợp quốc (LHQ) phối hợp tổ chức hôm qua (3/12) tại Hà Nội.

Tỷ lệ hộ dân tộc nghèo sẽ tăng

Ông John Hendra, Điều phối viên thường trực của LHQ
Để sự hỗ trợ của Chính phủ hiệu quả, bền vững, một điều kiện tiên quyết là đảm bảo sự tham gia của chính người DTTS với tư cách là kiến trúc sư của quá trình phát triển trong tương lai của chính họ. Điều đặc biệt quan trọng là phụ nữ và nam giới, cũng như trẻ em và thanh niên có khả năng như nhau trong việc tham gia vào những nỗ lực đó.

Hơn một thập kỷ qua, với chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành, với sự đóng góp quan trọng của các nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Hội thảo, tốc độ giảm nghèo của đồng bào DTTS còn chậm.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, tỷ lệ nghèo đói ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm 2006) xuống 31% (năm 2009). Tuy nhiên, so với tỷ lệ hộ nghèo trung bình chung cả nước là 12% (năm 2009), thì tỷ lệ này cao gấp hơn 2,5 lần. "Ước tính, khi chuẩn nghèo mới sẽ áp dụng từ năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ tăng lên trên 60%, thậm chí một số nơi còn lên đến 70 - 75%", ông K'Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết.

Theo ông Phạm Thái Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và tư vấn Đông Dương (IRC), hiện nay, việc giảm nghèo trở nên tốn kém hơn, khó khăn hơn, đối tượng nghèo lại tập trung ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì việc giảm được 1% tỷ lệ nghèo trong những năm tới sẽ khó hơn rất nhiều lần so với việc giảm 1% tỷ lệ nghèo của những năm qua.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chọn điểm cạo mủ trên cây cao su cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Hring (Đắk Hà, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Số liệu điều tra của IRC cho thấy, mặc dù đồng bào DTTS chỉ chiếm chưa tới 15% tổng dân số cả nước nhưng lại chiếm xấp xỉ 56% tổng dân số nghèo ở Việt Nam.

"Tốc độ giảm nghèo của đồng bào DTTS không chậm hơn tốc độ giảm nghèo của đồng bào dân tộc Kinh. Nhưng nếu tốc độ này vẫn giữ nhịp độ cũ, rõ ràng, rất khó có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm đa số và nhóm đồng bào DTTS", ông Hưng ái ngại.

Cần đột phá về nhiều mặt

Thực tế đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc giảm nghèo cho vùng dân tộc miền núi nước ta. Nếu như không có một thay đổi mang tính bước ngoặt trong việc giảm nghèo thì trong thời gian không xa, nghèo sẽ là vấn đề gắn chặt với đồng bào DTTS.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K'Sor Phước, để phát triển sản xuất tại vùng khó khăn cần giải quyết đồng bộ ba nhóm vấn đề: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy được nội lực của các DTTS và đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất.

Trong nhóm cơ sở hạ tầng, ông K'Sor Phước cho rằng cần đột phá ở khâu giao thông. "Nhiều nơi, chúng tôi đi, đồng bào nói thà bán xanh còn hơn để chín. Vì việc vận chuyển quá dài, mất nhiều thời gian", ông K'Sor Phước nói.

Trong nhóm phát huy nội lực, phải đột phá ở phát triển giáo dục. Điểm nghẽn của chất lượng nguồn nhân lực chính là chất lượng giáo dục của chúng ta ở các vùng đồng bào DTTS rất thấp. Khi giải quyết được vấn đề cơ bản của giáo dục phổ thông, sẽ nâng được năng lực nhận thức để tiếp thu khoa học kỹ thuật. Không tiếp thu được khoa học kỹ thuật thì không thể nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế. Cũng trong nhóm giải pháp này, phải đột phá về khâu cán bộ. Ông K'Sor Phước lý giải: "Đặc tính của vùng DTTS là vai trò của người thủ lĩnh rất quan trọng. Thủ lĩnh không có ý chí tự lực tự cường thì đừng nói cộng đồng đó có ý chí tự lực tự cường".

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất, cần đột phá ở chỗ làm chuyển biến mạnh mẽ tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc. Theo ông K'Sor Phước, "Cái này là hòn đá tảng đang cản trở năng lực phát triển sản xuất của vùng DTTS". Bên cạnh đó, phải đưa khoa học kỹ thuật và có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại vùng DTTS. "Nhìn lại những nơi tôi đến có đời sống kinh tế khá thì dứt khoát phải có các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất ở khu vực đó và tập quán sản xuất của đồng bào vùng đó phải thay đổi", ông K'Sor Phước nhấn mạnh.

Để việc giảm nghèo cho vùng dân tộc miền núi ở nước ta bền vững, thời gian tới không chỉ đòi hỏi cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, của các cơ quan hữu quan, mà còn cần sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Ông Nguyễn Tiên Phong, Trưởng nhóm giảm nghèo và phát triển xã hội của UNDP (mạng lưới phát triển toàn cầu của LHQ) cho biết: "Hiện nay, trong tất cả các lĩnh vực thì ưu tiên số một của LHQ là phát triển vùng đồng bào DTTS. Ví dụ, hiện nay, chúng tôi cùng một số nhà tài trợ đang hỗ trợ Chương trình 135 được hiệu quả hơn; làm việc với một số cơ quan Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực an sinh xã hội; vận động để các dịch vụ bảo trợ xã hội, hỗ trợ xã hội đến được với đồng bào DTTS...".

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN