Thả cá, đừng thả túi nilon

Lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là một trong những nét truyền thống văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, sau lễ cúng, nhiều người đã “vô tư” thả túi nilon, bát hương, hóa vàng tại nơi công cộng, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Các tình nguyện viện giơ biển tuyên truyền cho người dân tại cầu.


Chở chiếc bàn thờ gỗ nhỏ cùng một túi cá, anh Nguyễn Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dự định sẽ ra cầu Long Biên thả chiếc bàn thờ và số cá đó xuống sông, nhưng “bất thành”. Bởi khi anh vừa dừng xe trên cầu, đã có một nhóm các bạn trẻ đến tình nguyện thả cá hộ để “xin” chiếc túi nilon đựng cá và chiếc bàn thờ. Không những được giúp một cách tình nguyện, anh Thắng còn nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ phía các bạn trẻ. Ngay sau đó, số cá của anh Thắng đã được các bạn thả vào một chiếc xô nhựa và dòng dây thả xuống phía dưới chân cầu. Tại đây, một bạn tình nguyện viên đã túc trực để thả cá xuống sông, túi nilon và chiếc bàn thờ được để gọn gàng vào khu đựng rác. Đó chính là nhóm tình nguyện Cá chép đang thực hiện chiến dịch Đường táo quân 2015, tại Hà Nội.

Hoàng Hồng Vy, sinh viên năm 2, ĐH Kinh tế quốc dân, điều hành nhóm tình nguyện Cá Chép cho biết, từ ngày 20 cho đến hết ngày 23 tháng Chạp, bắt đầu 8h đến 18h,  đội tình nguyện chia thành các nhóm thực hiện cắm biển tuyên truyền tại các ngã tư, hồ Thiền Quang và cầu Long Biên. “Từ 8 giờ sáng chúng em đã có mặt tại Cầu Long biên để xin rác và tuyên truyền cho người dân. Hôm nay là ngày 22 tháng Chạp nhưng đã có rất nhiều người đến thả cá, thả ốc, trong buổi sáng chúng em đã thu được khoảng 5 túi nilon và vài chiếc bàn thờ”, Vy cho biết.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng, cho đến đêm Giao thừa Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc chăm sóc bếp lửa. Theo sự phát triển của xã hội, ngày nay, ngoài cá chép là phương tiện để ông Táo lên chầu trời, người dân còn dâng đồ lễ cúng. Vào ngày này, tại những hồ lớn của thủ đô Hà Nội như: Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, cầu Long Biên,  hồ Thiền Quang, Ngọc Khánh… đâu đâu cũng bắt gặp người dân đến thả cá với ngụ ý “cá hóa long”, tức cá vượt vũ môn tiễn các Táo lên thiên đình. Tuy nhiên, nhiều người thả cá lại không bỏ túi nilon vào thùng rác hay hóa vàng, thả đồ lễ xuống sông, hồ ao. Điều này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xuất phát từ thực tế đó, chiến dịch Đường Táo Quân được các bạn trẻ nhóm tình nguyện Cá Chép thực hiện từ năm 2014, với thông điệp “Thả cá, đừng thả túi nilon” đã được cộng đồng ủng hộ. Năm nay, chương trình thu hút 150 thành viên đăng ký tham gia.

Bà Lan (Long Biên) sau khi được các bạn tình nguyện viên thả cá giúp vui vẻ chia sẻ: “Nhiều năm tôi thấy cứ Tết ông Công ông Táo xong là ven chân cầu Long Biên đầy túi nilon và rác thải, nhưng năm nay thấy có vẻ đã giảm đi đáng kể. Được vứt rác hộ, lại còn được cảm ơn thì ai cũng sẵn lòng, các bạn trẻ làm những việc này rất thiết thực và ý nghĩa”.

Theo các bạn tình nguyện viên, nhiều người dân sau khi được nghe giải thích thì rất vui vẻ giao cá và đồ cho nhóm, thậm chí có người còn chia lộc cúng, nhưng cũng có nhiều người vẫn thả cả cá và túi nilon cùng đồ thờ xuống sông, mặc các thành viên có ra “xin”, hoặc có người còn tức giận, chửi mắng rồi ném cả cá lẫn túi xuống sông. “Nhưng chúng em vẫn tin, với những hành động nhỏ sẽ dần dần thay đổi ý thức và hành động của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và giữ gìn hình ảnh một Hà Nội văn minh, sạch đẹp”, một tình nguyện viên nhóm Cá Chép cho biết.

Cũng trong dịp này, nhiều nhóm tình nguyện cũng có những hoạt động thiết thực giữ gìn môi trường ngày ông Công ông Táo. Hoạt động “Ông Táo ghét túi nilon” do nhóm Water Wise Việt Nam tổ chức đã dọn rác tại hồ Thiền Quang, đạp xe tuyên truyền từ ngày 21 tháng Chạp. Ngày 23 tháng Chạp, nhóm sẽ tổ chức trực xin và dọn rác, tuyên truyền cho người dân không vứt túi nilon xuống hồ Ngọc Khánh.

Thả cá chép chầu trời là phong tục truyền thống, là nét đẹp của văn hóa Việt. Nhưng phong tục chỉ thật sự đẹp khi đi cùng với những hành vi đẹp, mỗi người dân tự ý thức trách nhiệm của mình trong giữ gìn môi trường chung, thì nét đẹp đó, phong tục đó sẽ được trân trọng và trường tồn cùng năm tháng. “Đã là phong tục đẹp, thì không nên để hành động cùa người này trở thành “ác mộng” đối với người khác, bởi nhiều người lao công chia sẻ với chúng em, những ngày này, khối lượng công việc và rác thu gom những ngày này tăng đáng kể, nhiều người không có thời gian chuẩn bị một mâm cỗ cúng tươm tất”, một bạn tình nguyện viên trong nhóm Cá Chép cho biết.


Bài, ảnh: Thu Trang

Thả cá xuống suối - chuyện “lạ” ở xã vùng cao
Thả cá xuống suối - chuyện “lạ” ở xã vùng cao

Thả cá xuống suối để bảo vệ môi trường tự nhiên, chống lại nạn khai thác thủy sản tận diệt bằng xung điện, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và gìn giữ cho màu xanh quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN