Tết sớm ở 'Thủ đô' Trường Sa

Hơn 20 ngày đêm vật lộn với những cơn sóng biển Đông dữ dội, con tàu mang ký hiệu Trường Sa HQ - 571 đã hoàn thành “sứ mệnh” mang “mùa Xuân” đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo trên các đảo tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Đây cũng là tuyến hải trình được vinh dự cập bến đảo Trường Sa lớn - “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa.

Chuyển quà tết từ đất liền lên đảo. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Dù bị những cơn sóng lừng “tra tấn” mê mệt, nhưng khi ngửi thấy mùi hương dìu dịu của hoa bàng vuông, nhìn thấy những cành phong ba đung đưa trong gió và đặc biệt là ánh mắt, nụ cười sung sướng của người lính “Thủ đô” Trường Sa đang đứng trên cầu cảng đón đoàn trưa 8/1, ai nấy đều bừng tỉnh cơn say, cùng hòa chung vào niềm vui hội ngộ giữa “đất liền” và “biển, đảo”.

Lúc này, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa lời chúc của đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân trong buổi chia tay ở bến tàu: “Với những người lính đảo Trường Sa, ngày đoàn công tác đến chính là ngày Tết đến sớm”.

Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân đã chúc ba đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ mang “mùa Xuân” sớm ra đảo. Với những cán bộ, chiến sĩ, bà con nhân dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa, “mùa Xuân sớm” không chỉ đơn thuần là những món quà Tết, mà còn là hơi ấm, là tình người, tình đất liền ra đảo…

Tuy còn gần một tháng nữa mới đến Tết cổ truyền dân tộc, nhưng không khí mừng Xuân, đón Tết đã sôi động trên “Thủ đô” Trường Sa. Dưới tán những cây bàng vuông đang hé nụ, chào xuân trước sân trung tâm Chỉ huy đảo, thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên đảo cho biết: Dù chưa thực sự đến Tết, nhưng với lính đảo Trường Sa lớn, ngày nhận hàng và quà Tết cũng là ngày Tết sớm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, là ngày mà tình cảm của đất liền ngập tràn trên “Thủ đô” Trường Sa.

Tết cổ truyền năm nay, quân và dân đảo Trường Sa lớn tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội, cũng như của nhân dân cả nước nên đời sống vật chất, tinh thần mọi mặt đều được nâng lên; đem lại một cái Tết đầm ấm, đầy đủ đối với cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Trong niềm vui phấn khởi được gặp những “người thân” từ đất liền mang “mùa Xuân” ra đảo, thượng tá Dương Đức Hân, Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo cho hay: Mỗi khi Tết đến Xuân về, cấp ủy Đảng, Chỉ huy đảo bao giờ đều có kế hoạch đón Tết và luôn coi việc chuẩn bị vui Xuân đón Tết cho cán bộ, chiến sĩ là một nhiệm vụ.

Ngày Tết ở “Thủ đô” Trường Sa cũng có đầy đủ các hương vị giống như trong đất liền từ cà phê hòa tan G7, nước ngọt, bia lon, bánh kẹo, hạt dưa đỏ Sài gòn... đến thịt lợn, thịt gà, giò… Trên bàn thờ Tổ quốc sẽ có mâm ngũ quả với chuối, bưởi, đu đủ; đặc biệt là những chiếc bánh chưng xanh mướt, gói từ bằng lá bàng vuông.

Do điều kiện khắc nghiệt của muối biển nên những cành mai, cành đào dù bảo quản cẩn thận đến mấy, khi ra tới đảo cũng không tránh được khô héo. Do vậy, cành mai vàng trên bàn thờ Tổ quốc được các chiến sĩ “Thủ đô” Trường Sa làm bằng giấy mầu thật khéo, mới nhìn khó biết được đây là hàng “sáng tạo”. Ngoài những mặt hàng của đất liền mang ra, thì đảo còn tăng gia thêm được rau xanh, lợn, gà, vịt, làm khẩu phần Tết năm nay của cán bộ, chiến sĩ tươm tất và sinh động hơn.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần cho bộ đội “Thủ đô” Trường Sa trong những năm qua không ngừng được các cấp, các ngành quan tâm, cải thiện bằng việc tăng cường thêm sách, báo, tài liệu,…vừa để giải trí vừa nâng cao thêm kiến thức.

Chính trị viên phó, thiếu tá Lương Xuân Giáp cho biết thêm: Không khí Tết Nguyên đán ở “Thủ đô” Trường Sa dù không hối hả, ngược xuôi như đất liền, nhưng cũng không kém phần vui tươi, đầm ấm. Đêm giao thừa, đảo sẽ tổ chức hái hoa dân chủ, thi hát karaoke.

Khi đồng hồ chuyển dần về thời khắc giao thừa, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tập trung về hội trường lớn của đảo để̀ cùng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua cầu truyền hình trực tiếp, sau đó nghe Chỉ huy đảo chúc Tết. Sáng mùng một Tết, tất cả bộ đội “Thủ đô” Trường Sa sẽ chào cờ đầu năm mới.

Ngoài ra, trong những ngày Tết cổ truyền, đảo cũng sẽ tổ chức thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ vua, cờ tướng,… Tuy nhiên, chúng tôi vui Xuân đón Tết với một tinh thần vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, phấn khởi, nhưng không quên nhiệm vụ và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới là dịp những người thân trong gia đình xum họp, thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên. Lúc này, không thể cùng đoàn tụ với gia đình. Song, mỗi người lính Trường Sa đều rất tự hào về nhiệm vụ của mình: Chắc tay súng, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và bảo vệ sự bình yên cho đất nước.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương, tâm niệm ấy đã trở thành cầu nối của tình đồng đội, xóa đi cảm giác nhớ nhà. Thay vì thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, ở đây, người lính thắp nén nhang trên bàn thờ Tổ quốc. Những lời chúc Tết, động viên của người thân trong gia đình đến với họ và ngược lại đều thông qua điện thoại di động.

Thượng úy Nguyễn Văn Tài (30 tuổi, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi), Phân đội trưởng Phân đội 1, Cụm chiến đấu 1, đã 5 lần ăn Tết tại quần đảo Trường Sa bộc bạch: Bộ đội “Thủ đô” Trường Sa đều xa gia đình và ai nấy cũng nhớ về gia đình mỗi khi Tết đến Xuân về, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như tình cảm của đồng bào cả nước hướng về Trường Sa nên chúng tôi luôn có một cái Tết vui tươi, ấm áp, hạnh phúc. Được đón Tết ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc là một vinh dự, vì vậy, chúng tôi vui Xuân đón Tết nhưng lúc nào cũng chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.

Vui Xuân đón Tết trên biển trong thời khắc giao thừa đôi lúc không tránh khỏi những phút nhớ nhà nhưng mỗi người lính trẻ Trường Sa đều vững vàng vượt qua vì niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân cả nước - hậu phương lớn đang hướng về biển đảo.

Bữa cơm tất niên với lính đảo Trường Sa lớn của đoàn công tác ngập tràn không khí Tết, hương vị đất liền. Một mùa xuân mới lại về trên “Thủ đô” Trường Sa – hải đảo thân yêu của Tổ quốc.


Nguyễn Cường





Những người lính hậu cần ở Trường Sa
Những người lính hậu cần ở Trường Sa

Ai đã từng đến với Trường Sa, từng chịu những trận sóng dữ dội mùa biển động, hứng cái nắng hun người giữa biển mặn và phơi mình giữa những cơn mưa rào giữa biển Đông, mới có thể hiểu được những người lính ở đây vất vả, gian truân đến mức nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN