Tết độc lập ở chiến khu Mường Khói

Những ngày đầu tháng 9 này, khắp bốn vùng Mường của tỉnh Hòa Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động ), người dân địa phương lại nô nức đón Tết Độc lập 2/9, cái Tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán.

Đến với mường Vang (huyện Lạc Sơn), vùng đất chiến khu Mường Khói năm xưa, điều dễ nhận thấy từ đường làng, ngõ xóm đến mọi gia đình đều treo cờ đỏ sao vàng ; bà con trong xóm tạm gác công việc làm mùa, dành thời gian nghỉ ngơi để mừng ngày Tết Độc lập; các mế, thanh niên nam nữ và trẻ em mặc những bộ quần áo mới nhất ra đường, đến nhà nhau thăm hỏi và ăn tết. Đàn ông, làm thịt lợn, thịt gà, phụ nữ gói bánh uôi, đồ xôi, nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả bày lên bàn thờ tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con, cháu có sức khỏe, gia đình được hạnh phúc, làng xã được ấm no, quê hương, đất nước luôn được yên bình.

Nay cuộc sống của bà con người Mường Vang đã đổi thay nên ngày Tết càng trở lên đông vui, đầy đủ và phấn chấn hơn. Hàng ngày, loa truyền thanh các xã phát các bài viết tuyên truyền về thành quả, ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng 8/1945, các ca khúc cách mạng cùng các làn điệu ca múa nhạc đằm thắm nhằm cổ vũ, khích lệ tinh thần mọi người. Lớp trẻ thường tập trung ở nhà văn hóa hoặc trụ sở UBND xã vui chơi, ca hát, chơi thể thao. Thanh niên các xóm trong xã thành lập đội bóng chuyền, bóng đá thi đấu giao lưu với các đội bóng của các xã bạn.

Những cô gái Mường Vang trong điệu múa truyền thống. Ảnh minh họa: Internet


Ngày 2/9, từ sáng sớm, người dân các xã rộn ràng tham gia thi đánh mảng, bóng đá, cầu lông, bóng bàn... tại các gia đình, mọi người xum vầy, cùng nhau uống chung vò rượu cần, thưởng thức mùi vị thơm ngon của các loại bánh. Cùng với các món ăn chính, bánh cũng hết sức quan trọng và không thể thiếu trong mâm cỗ của ngày Tết độc lập. Bà con người Mường có rất nhiều loại bánh truyền thống tuy nhiên trong dịp lễ này, người Mường Vang thường làm loại bánh uôi.

 

Món bánh uôi truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh: Internet

Để làm bánh, các gia đình đều phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Lá bương lấy từ rừng về được phơi khô, gạo nếp phải xay kỹ để làm bánh. Khi đã có hỗn hợp bột, người ta đem nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rắc lạc, vừng lên trên và được quấn lại bằng lá bương. Bánh uôi được gia chủ dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống bắt buộc, trước khi dọn tiệc đãi khách thì gia chủ phải làm lễ dâng cúng tổ tiên. Báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày được gia đình chọn và tổ chức lễ mừng Tết độc lập của đất nước.

Bữa cơm lễ mừng ngày độc lập của người Mường có sự sum vầy của tất cả anh em, con cháu trong gia đình và hàng xóm trong Mường, trong bản. Mọi người cùng nhau chuyện trò, nhấm nháp hương vị của rượu cần và những món ăn đã có mặt trong đời sống ẩm thực của cư dân xứ Mường từ bao đời truyền lại.Trải qua thời gian, nét văn hóa đẹp này được người Mường ở Lạc Sơn nói riêng và ở đất Mường Hòa Bình nói chung được gìn giữ. Đây cũng là cách người Mường dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam .



Theo các bậc lão thành cách mạng, Mường Khói khi xưa ôm trọn hai xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa, thuộc châu Lạc Sơn, có đường 12A vắt qua, nối Thanh Hóa - Ninh Bình - Hòa Bình, cửa ngõ lên miền Tây Bắc. Tháng 7 năm 1945, tại xóm Lọt, xứ ủy Bắc Kỳ đã mở lớp huấn luyện "Trường Sơn du kích Kháng Nhật học hiệu" đào tạo cán bộ quân sự cho các tỉnh để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

 

Cũng tại chiến khu Mường Khói, Đội tự vệ cứu quốc được gây dựng với 48 đội viên, là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân vùng dậy khởi nghĩa, đánh chiếm châu lỵ Lạc Sơn vào ngày 20 tháng 8 năm 1945 và tham gia giải phóng thị xã Hòa Bình sau đó vài hôm. Năm 1945, để bảo vệ chính quyền cách mạng, hai xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa thuộc Châu Lạc Sơn sáp nhập thành xã Ân Nghĩa. Quần chúng nhân dân đã nhanh chóng xây dựng quê hương trở thành chiến khu cách mạng của tỉnh, nằm trong chiến khu Hoà - Ninh – Thanh. Đây từng là địa bàn mở lớp huấn luyện quân sự của tỉnh, của xứ uỷ Bắc kỳ. Trong những ngày tháng Tám lịch sử, nhân dân Ân Nghĩa đã châm ngòi, vùng lên chống lại ách áp bức của thực dân, phong kiến, Lang Đạo hà khắc, cùng lực lượng ở các chiến khu tiến về tỉnh lỵ giành chính quyền về tay nhân dân.

Phát huy truyền thống vùng đất chiến khu xưa, Đảng bộ và chính quyền huyện Lạc Sơn đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng bằng các chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp được phát triển theo hướng thâm canh, tăng vụ và có tính bền vững, gắn với những chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn.

 

Được xem là vựa lúa của tỉnh, hàng năm, Lạc Sơn đóng góp quan trọng vào tổng sản lượng lương thực cây có hạt, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Bình quân mỗi năm, sản lượng lương thực của huyện đạt gần 6 vạn tấn. Đáng chú ý là Nghị quyết chuyên đề số 18 của Huyện ủy về phát triển cây cà phê tại các xã vùng cao đã mở ra một mô hình sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến công nghiệp, bảo vệ môi trường và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, huyện đã tiến hành quy hoạch 3 cụm công nghiệp tập trung, gồm Khoang U (xã Ân Nghĩa), Đầm Đuóng (xã Tân Mỹ), Xóm Cháy (xã Liên Vũ); ưu tiên phát triển những nghề truyền thống và dịch vụ nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa… Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20%.

Về ăn tết Độc lập với gia đình anh Bùi Hy Vọng, phụ trách điểm bưu điện- văn hóa xã ở xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, anh cho biết: Tết này, tuy giá cả có tăng chút ít so với ngày thường, nhưng không ảnh hưởng gì đến mâm cỗ vì hầu hết bà con đều nuôi lợn, gà, trồng rau, tự túc được thực phẩm. Thường là vài gia đình “đụng”- mổ chung con lợn to tạo không khí đoàn kết, vui tươi ở khu dân cư. Anh Vọng cũng cho hay: Nét mới của Tết này là người dân uống rượu chừng mực hơn, không có cảnh một số người lớn ra đường lảo đảo say, “đánh võng trên đường” như mọi năm.Đặc biệt, cụm văn hóa Mường Vang vẫn rộn rã, trầm bồng tiếng cồng chiêng và ngân vang lời hát đối Thường Rang- Bọ Mẹng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của xứ Mường trong ngày vui lớn của dân tộc Việt Nam.




Nhan Sinh









Người Thái ở Mường Lò vui Tết Độc lập
Người Thái ở Mường Lò vui Tết Độc lập

Với đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở cánh đồng Mường Lò (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái), có 3 lễ tết lớn, được bà con tưng bừng chào đón nhất trong năm, đó là rằm Síp Xí (ngày 14/7 âm lịch), Tết Độc lập (ngày Quốc khánh 2/9) và Tết Nguyên đán cổ truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN