Tây Ninh công bố dịch bệnh khảm lá trên cây sắn

Chiều ngày 20/7, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức cuộc họp đột xuất để công bố dịch bệnh khảm lá sắn (khoai mì) trên địa bàn tỉnh; đồng thời tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch khảm lá sắn cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến làm trưởng ban.

Các quyết định kể trên nhằm tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh (khảm lá) cho loại cây trồng này trên phạm vi toàn tỉnh, theo Công điện chỉ đạo khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước mắt tỉnh sẽ đốt, tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn (bao gồm thân, lá, củ) bị nhiễm bệnh khảm lá tại 3 huyện có dịch là Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và tập trung phòng chống bệnh tại các huyện, thành phố còn lại bằng phương pháp phun thuốc diệt bọ phấn trắng, là tác nhân chính gây ra dịch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, bệnh khảm lá sắn là bệnh mới xuất hiện gần đây trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã giáp ranh với Campuchia. Bệnh lây truyền phổ biến qua bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Biểu hiện của bệnh khảm là trên lá cây sắn xuất hiện những vết vàng loang lổ xen lẫn phần xanh. Khi cây trồng bệnh nặng, vết vàng loang rộng ra trên phiến lá sắn, làm lá biến dạng nhăn nheo, cuốn lại và nhỏ dần.

Đây là loại bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ, làm giảm năng suất và chất lượng rõ rệt cây sắn. Nếu cây trồng bị nhiễm bệnh lúc còn non, cây sắn sẽ không cho thu hoạch, không phòng trị kịp thời, bệnh này sẽ lây lây lang nhanh ra các vùng khác. Trước đây bệnh này đã gây hại nặng trên cây sắn ở Campuchia, Lào và hiện phát triển mạnh ở Tây Ninh của Việt Nam.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 20/7 toàn tỉnh có hơn 1.580 ha sắn bị nhiễm bệnh, trong đó, các huyện biên giới Tân Châu, Tân Biên và Châu thành là những địa phương có diện tích bị bệnh thành dịch ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn.

Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, để kịp thời ngăn chặn loại dịch bệnh này có hiệu quả, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang khẩn trương thực hiện khảo sát, thống kê diện tích toàn bộ cây sắn bị nhiễm bệnh; tổ chức phun thuốc trừ bọ phấn và tiêu hủy diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh và các vùng lân cận cách 100 m, để phòng tránh dịch bệnh lây lang.

Tỉnh cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân trồng sắn bị thiệt hại do dịch bệnh trong đợt này.

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất nước với diện tích hàng năm đạt khoảng trên dưới 40.000 ha. Riêng trong vụ đông xuân và hè thu này, tỉnh đã trồng 36.800 ha. Số diện tích không nhiễm bệnh đã cho thu hoạch (7.581 ha), năng suất đạt khoảng 35 tấn/ha. 

Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
Cây sắn thừa đầu ra,  thiếu đầu vào
Cây sắn thừa đầu ra, thiếu đầu vào

Thời gian qua, sắn được tỉnh Cao Bằng xác định là cây sản xuất hàng hóa và chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN