Tây Nguyên xóa bỏ triệt để 218 cơ sở chế biến gỗ trong rừng

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã xóa bỏ triệt để 218 cơ sở chế biến gỗ trong rừng, gần rừng tự nhiên, góp phần lập lại trật tự trong công tác chế biến gỗ, hạn chế các điểm nóng về phá rừng trái phép trên địa bàn.

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã đình chỉ hoạt động 67 cơ sở chế biến gỗ, tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Cư M’gar. Đây là những địa bàn lâu nay thường xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép nhiều nhất tỉnh.

Tỉnh Gia Lai, Đắk Nông cũng đình chỉ hoạt động hàng trăm cơ sở chế biến gỗ trong rừng, gần rừng, các cơ sở vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến gỗ.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên kiên quyết không cấp mới Giấy đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng thành lập các đội liên ngành tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ mua bán, nhập hóa đơn chứng từ gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, nhà xưởng xây dựng tạm bợ, không được cơ quan thẩm quyền cấp phép xây dựng, không có giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường…

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trước đây, các tỉnh Tây Nguyên phát triển các cơ sở chế biến gỗ một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu lên đến trên 1.510 cơ sở; trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 522 cơ sở, Gia Lai có 483 cơ sở, Lâm Đồng có 423 cơ sở chế biến gỗ…

Trong khi đó, công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ ở các tỉnh Tây Nguyên lại kém hiệu quả, thiếu kiểm tra, giám sát, nhất là các xưởng chế biến gỗ gần rừng, đặt trong rừng nên một số xưởng đã trở thành điểm tiêu thụ gỗ khai thác bất hợp pháp. Thậm chí, có địa bàn rừng trọng điểm ở Tây Nguyên trở thành “đường dây” theo chuỗi hành vi vi phạm từ khai thác, vận chuyển đến chế biến gỗ trái phép.


Quang Huy
Bình Định bắt lượng lớn gỗ lậu

Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, tài xế xe tải đã trình các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số gỗ. Tuy nhiên, khi xác minh tại địa bàn xuất phát, Hạt Kiểm lâm thành phố Ban Mê Thuột chưa hề cấp giấy cho số lượng gỗ trên được vận chuyển mua bán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN