Tây Nguyên ổn định đời sống tại các vùng dự án quy hoạch

Mấy năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn vốn để quy hoạch lập các dự án đưa đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch vào định cư, từng bước ổn định đời sống. 

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ riêng từ năm 2005 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư trên 506 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho 38 đến 40 dự án nhằm ổn định đời sống cho trên 14.080 hộ đồng bào dân tộc thiểu số di cư đến ngoài kế hoạch, đạt 55,53% so với tổng số hộ đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch giai đoạn 2005-2013. Trong đó, tỉnh Gia Lai, địa phương có số dân di cư đến ngoài kế hoạch thấp nhất đã bố trí ổn định cho 100% số hộ dân, còn các tỉnh: Kon Tum mới bố trí đạt 29,47%, Lâm Đồng đạt trên 36%, Đắk Lắk đạt 39,38% và Đắk Nông đạt 71,76%.

Phát triểncây cọc rào trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ảnh Văn Thông - TTXVN


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, di cư đến ngoài kế hoạch ổn định đời sống theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như 134, 1592, 32, 102, 33, 1342, chính sách giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a…để rà soát các quỹ đất, thu hồi diện tích đất đã khai phá trái phép, giải quyết chính sách đất đai theo thẩm quyền quy định của pháp luật…

Theo đó, các hộ dân di cư đến ngoài kế hoạch vào sinh sống ở vùng quy hoạch được các tỉnh Tây Nguyên cấp đất ở, đất sản xuất nên thu nhập bình quân đầu người đạt khá và nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, mua sắm được nhiều vật dụng, phương tiện sản xuất có giá trị. Sự năng động và kinh nghiệm làm ăn của một bộ phận người dân di cư đến ngoài kế hoạch đã đóng góp, đẩy mạnh phát triển sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa vùng nông thôn của các địa phương trên địa bàn.

Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, đời sống của đại bộ phận đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch ở các vùng dự án cơ bản đã ổn định, tình đoàn kết giữa đồng bào di cư và đồng bào tại chỗ ngày càng gắn bó, an ninh chính trị địa bàn đảm bảo, nhất là ở các vùng trọng yếu như Ea Súp, Cư M’gar (Đắk Lắk), Đắk Ngo, Đắk Glong (Đắk Nông), Chư Prông (Gia Lai), Đam Rông (Lâm Đồng) cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề di cư đến ngoài kế hoạch và công tác quản lý dân di cư đến ngoài kế hoạch vào Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Số hộ đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch ở các tỉnh Tây Nguyên sống còn rải rác, phân tán còn nhiều, tỷ lệ đói nghèo còn cao, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tác động của thiên tai. Công tác quy hoạch, kế hoạch bố trí ổn định dân cư còn bị động; nguồn vốn bố trí ổn định đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu (mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu), nhất là các dự án định canh, định cư, định mức thấp trong khi đối tượng lớn, địa bàn thực hiện lại khó khăn…

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị chuyển chức năng quản lý nhà nước về dân di cư đến ngoài kế hoạch từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban Dân tộc vì người dân di cư đến ngoài kế hoạch hiện nay cần sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước sớm ban hành quy chế quản lý dân di cư đến ngoài kế hoạch để điều chỉnh, ràng buộc các trường hợp di dịch cư đến nhiều địa phương để trục lợi, gây bất ổn trong nhân dân và địa phương khó quản lý. Trong đó, cần rà soát, phân loại đối tượng dân di cư đến ngoài kế hoạch để cấp Sổ tạm trú, tạm vắng nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ công dân; đồng thời, các cấp chính quyền địa phương có thể quản lý được dân di cư đến ngoài kế hoạch trên địa bàn. 

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cũng đề nghị Chính phủ tăng ngân sách đầu tư cho Chương trình bố trí, sắp xếp dân di cư đến ngoài kế hoạch chưa ổn định ở Tây Nguyên. Có chính sách ưu tiên đặc biệt trong việc đầu tư bố trí, sắp xếp để ổn định dân cư tại chỗ (các tỉnh biên giới của các tỉnh Tây Nguyên) và đảm bảo cuộc sống tốt hơn đối với các tỉnh phía Bắc (nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Thái… di cư đến ngoài kế hoạch ở Tây Nguyên nhiều). Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có dân đi thống nhất với các tỉnh có dân đến phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương giải quyết tình trạng dân di cư đến ngoài kế hoạch và huy động các nguồn lực để hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống tại chỗ. Có quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, đồng thời, lập các dự án dự phòng để chủ động điều chuyển, sắp xếp dân cư khi cần thiết. Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn cho các dự án đã phê duyệt của các tỉnh Tây Nguyên nhằm sớm ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch, đồng thời, cho chủ trương các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, đất thổ cư ở những nơi dân đã ổn định nơi ở và sản xuất…

Từ năm 1976 đến năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 188.180 hộ dân với 856.743 khẩu là đồng bào các tỉnh, thành phố di cư đến ngoài kế hoạch ở các tỉnh Tây Nguyên; trong đó, giai đoạn 1976-2004 có 169.334 hộ, với 784.101 khẩu và giai đoạn 2005 đến nay giảm xuống chỉ còn 18.849 hộ, với 72.642 khẩu, bình quân mỗi năm chỉ còn 2.094 hộ, với 8.071 khẩu di cư đến ngoài kế hoạch ở các tỉnh Tây Ngyên.


Quang Huy (TTXVN)
Tây Nguyên đón 6 triệu lượt khách
Tây Nguyên đón 6 triệu lượt khách

6 triệu lượt khách du lịch đã đến với đại ngàn Tây Nguyên trong năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN