Tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngư dân ven biển và đầm phá

Ngày 2/5, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế đã làm việc với các địa phương ven biển trong tỉnh để tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ (áo trắng, thứ 2 từ phải qua) dùng các món hải sản cùng với người dân.

Qua đó, tỉnh đã hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển xa và cá nuôi và đánh bắt trên vùng đầm phá, tránh gây hoang mang trong một bộ phận dân cư.

Thống kê sơ bộ, từ ngày 26-30/4, bình quân mỗi ngày ở Thừa Thiên - Huế có khoảng 40 tàu đánh bắt xa bờ nhập cá vào cảng Thuận An, sản lượng khoảng 50 tấn/ngày; riêng ngày 30/4 đạt khoảng 100 tấn. 

Tuy nhiên, việc tiêu thụ còn khó khăn, cá bán không được giá như trước thời điểm xảy ra tình trạng cá chết trên biển. 

Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn để tiêu thụ sản phẩm đánh bắt trên biển được thường xuyên hơn.

Các điểm bán cá sạch tại Siêu thị Co.opmart (Huế) hút khách đến mua mặt hàng hải sản.

Theo ông Nguyễn Khơ, Chi hội trưởng nghề cá An Hải cho biết: Chi hội An Hải có 16 tàu đánh bắt xa bờ cho biết, sáng 30/4 và 1/5 đã có 80% lượng tàu ra khơi. 

Trước đó, mặc dù sản lượng đánh bắt nhiều nhưng do khó khăn về mặt tiêu thụ nên ngư dân gặp khó khăn. Nhiều ngư dân ở đây cũng cho biết, cá đánh bắt trên biển về mọi người ở đây đều ăn bình thường.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Đặng Tiến Tùy cho biết: Vùng ven bờ của địa phương này trước đây có 7 con cá chết trôi dạt vào bờ. Tuy nhiên, từ sau ngày 27/4 đến nay không thấy hiện tượng này nữa. 

Nhờ cập nhật thông tin, người dân Phú Thuận tuyệt đối không ăn, không bán cá chết; còn cá đánh bắt về vẫn ăn bình thường. Hiện tại, Phú Thuận có 53 tàu đánh bắt xa bờ hoạt động ở khơi xa. Ngoại trừ cá đánh bắt ven bờ, chủ yếu là cá nục mất giá; còn các loại như cá chim, cá thu đều vẫn bán giá bình thường như trước đây.

Đối với vấn đề nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn người nuôi trồng thuỷ sản theo dõi các đối tượng nuôi để kịp thời phát hiện các yếu tố bất ngờ của môi trường, thời tiết; tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao nuôi ven biển khi chưa có số liệu quan trắc về môi trường của cấp có thẩm quyền.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục hướng dẫn các hộ ngư dân thống kê thiệt hại, để có biện pháp hỗ trợ. Trước mắt, tỉnh đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn khoanh nợ, giản nợ cho các hộ vay vốn đóng tàu và kinh doanh nghề cá biển, nghề nuôi trồng thuỷ, hải sản do gặp bất lợi trong thời gian vừa qua...

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)
Hàm lượng kim loại nặng trong hải sản ở Hà Tĩnh trong mức cho phép
Hàm lượng kim loại nặng trong hải sản ở Hà Tĩnh trong mức cho phép

Ngày 2/5, ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia vừa thông báo chính thức: Hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xyanua (cyanide) trong hải sản biển, rau ở Hà Tĩnh đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN