Tạo việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Chương trình "Sáng kiến thanh niên lập nghiệp" (YCI), một chương trình toàn cầu đang được triển khai tại 12 quốc gia, vừa làm lễ tốt nghiệp kết thúc khóa tập huấn kỹ năng phục vụ tại một số khách sạn cao cấp cho 23 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Điểm đáng chú ý, 70% học viên sau khi tham gia chương trình này đều đã được các khách sạn, nhà hàng ưu tiên tuyển dụng.


Mở ra cơ hội


Sau khóa học về kỹ năng phục vụ tại khách sạn, Cầm Ngọc Việt (sinh năm 1994, tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lộ, Yên Bái) được nhận vào làm nhân viên chính thức của khách sạn Hilton Hanoi Opera (Hà Nội). Đó là điều mà 6 tháng trước đây, ngay đến trong mơ Ngọc Việt không dám nghĩ đến.

Ngoài việc được đào tạo nghề miễn phí và cơ hội được nhận vào làm việc tại các khách sạn cao cấp, các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ ăn uống, đi lại và học việc.

 

Hoàn cảnh gia đình của Việt rất éo le, bố Việt bị nghiện rượu nặng, thường xuyên đánh đập mẹ và các con, nhiều lần đánh mẹ đến ngất xỉu, để lại nhiều di chứng liên quan đến thần kinh. “Bố say rượu thường xuyên đánh vợ con, giờ mẹ bị rất nhiều bệnh, trong khi anh trai bị mù, kinh tế gia đình khó khăn nên tôi và em gái phải bỏ học về Hà Nội tìm kiếm việc”, Cầm Ngọc Việt kể.

Ngoài việc được đào tạo nghề miễn phí và cơ hội được nhận vào làm việc tại các khách sạn cao cấp, các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ ăn uống, đi lại và học việc.


Mới 15 tuổi, Cầm Ngọc Việt theo những thanh niên làng đi làm thuê tại các công trình xây dựng. Dù vóc giáng nhỏ bẻ nhưng Việt phải thường xuyên làm đêm với công việc nặng nhọc là trộn bê tông. Qua một tổ chức hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia đình, Cầm Ngọc Việt được giới thiệu với Trung tâm đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (Reach), đơn vị điều phối của chương trình YCI tại Việt Nam. Vượt qua những rụt rè, tự ti vì hoàn cảnh và những khó khăn vì vừa học nghề tại khách sạn, vừa phải chăm em gái bị cấp cứu trong bệnh viện, Việt đã không bỏ lỡ cơ hội, thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của các giảng viên để hoàn thành khóa học.


“Đối với tôi, được học lớp kỹ năng nghề của YCT là cơ hội rất quý giá để có thể tìm việc làm. Trong quá trình học, các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ cơ sở, khách sạn Hiton Hanoi Opera, nơi tôi học việc giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều. Hiếm có nơi nào nhận học viên chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật nên không chỉ riêng tôi mà các học viên tham gia khóa học đều cố gắng rất nhiều vượt lên chính bản thân để hoàn thành tốt khóa học”, Việt tâm sự.


Không chỉ Cầm Ngọc Việt mà còn nhiều bạn trẻ khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Nguyễn Thị Thanh Thủy (sinh năm 1995, Hà Nội), đi bán vé số từ lúc 9 tuổi, rồi đi giao cơm với lương 600.000 đồng/tháng, làm phụ bàn với mức lương 700.000 đồng/tháng. Gia đình Thủy gồm 5 người sống căn phòng trọ rộng khoảng 8 m². Bố Thủy 5 năm thất nghiệp ở nhà và “làm bạn với rượu” để giải sầu nên cuộc sống gia đình rất chật vật. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, Thủy được tham gia Chương trình YCT. Sau khi tốt nghiệp khóa học với nghiệp vụ làm bánh, Thủy đã được nhận vào làm nhân viên của Nhà hàng bánh Pháp Saint Honore (Hà Nội).


Nhân rộng mô hình


“Khóa học nghề YCI tiếp theo sẽ được khai giảng vào tháng 8/2014 và nhân rộng tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...”, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị điều phối của chương trình YCI tại Việt Nam, cho biết


Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, tỷ lệ 70% học viên có việc làm sau khi tham gia YCT cho thấy hiệu quả của việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Khi các học viên được đào tạo nghề chuyên sâu và có cơ hội việc làm yêu thích thì các em sẽ có động lực, đam mê với công việc mà mình được đào tạo. Vấn đề chính là các học viên cần vượt qua chính mình để từ một môi trường tự do, kiến thức hạn chế, hòa nhập được với môi trường chuyên nghiệp


"Đây là một chương trình đào tạo nhân văn, hướng tới học viên nghèo nên Hiệp hội các khách sạn cao cấp cam kết tiếp tục phối hợp với chương trình YCT nhân rộng mô hình. Công việc trong các khách sạn đặt học viên áp lực của kỷ luật khắt khe. Khóa đào tạo nghề sẽ mở cho các em nhiều cơ hội trong các công việc khác. Quan trọng là các em phải rèn luyện sự kiên trì và ý chí phấn đấu. Thắng lợi nhiều khi không dành cho người chạy nhanh nhất, mà dành cho những ai luôn biết bền bỉ phấn đấu", ông Peter Simson, Tổng Giám đốc khách sạn Hilton Hanoi chia sẻ.


Bài và ảnh:Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN