Tăng tuổi nghỉ hưu có làm tăng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ?

Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đang lấy ý kiến về dự thảo lần 2 đối với Luật Lao động sửa đổi, trong đó có đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62 và nữ lên 60.

Lao động dệt may không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Hải Âu/TTXVN.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu được lý giải nguyên nhân chính là để đảm bảo cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội, nhưng nhiều ý kiến chuyên gia băn khoăn rằng liệu việc tăng tuổi nghỉ hưu có làm tăng nguy cơ thất nghiệp của giới trẻ?

Lý giải về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ LĐTBXH cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, bởi tuổi nghỉ hưu như hiện nay (nữ 55 và năm 60 tuổi) được quy định từ năm 1961, trong khi những năm qua, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc cũng đã được cải thiện. Trên thực tế, nhiều người nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia làm việc.


Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH lý giải về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nguyên nhân chủ yếu: Nếu tiếp tục giữ nguyên như hiện tại, quỹ hưu trí, tử tuất (Quỹ BHXH) sẽ mất cân đối.


Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng: “Nếu chỉ xem xét tăng tuổi nghỉ hưu để làm giảm mất cân bằng Quỹ bảo hiểm xã hội là chưa đầy đủ, bởi tăng tuổi nghỉ hưu rõ ràng ảnh hưởng lớn đến việc làm của giới trẻ. 


Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu người trẻ gia nhập thị trường lao động. Còn trong báo cáo về thị trường lao động của chính Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, mỗi năm có khoảng 400.000 người sinh viên ra trường và có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao hơn gấp 3-4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa giảm cơ hội việc làm của lao động trẻ".


Theo ông Lê Đình Quảng, để giải quyết nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí - tử tuất, trước mắt phải sử dụng nhiều giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, trong đó tập trung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; chống thất thu quỹ BHXH thông qua việc liên thông số liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH, tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHXH…


Còn ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động) cho rằng: Đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu thời điểm này không hợp lý bởi liên quan nhiều vấn đề xã hội. Rõ nhất là nhìn vào cung cầu thị trường lao động, hiện nay cung lao động đang nhiều hơn cầu lao động nên phải tính toán khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có bao nhiêu người thất nghiệp? 


“Khảo sát mới đây của Viện đối với 4.000 công nhân lao động thì có 30% muốn nghỉ sớm. Đặc biệt là công nhân ngành dệt may, chế biến thủy sản, làm đường giao thông đều mong muốn nghỉ sớm vì rất vất vả”, ông Vũ Quang Thọ cho biết.


Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, hiện là thành viên tổ soạn thảo Luật Lao động sửa đổi, cho rằng: “Về lâu dài, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu phải được đặt ra do quá trình già hóa dân số của Việt Nam diễn ra nhanh. Tuy nhiên việc tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình để không tạo tâm lý sốc cho người lao động. 


Quan trọng nhất hiện nay là cơ quan nghiên cứu phải có đánh giá tác động cụ thể của việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động như thế nào đến quản lý quỹ BHXH và các vấn đề liên quan đến thị trường lao động, môi trường làm việc, trong đó, 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ”.


“Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng theo từng nhóm đối tượng lao động. Theo đó, vẫn nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với bộ phận lao động công việc nặng nhọc độc hại (nữ 50 và nam 55 tuổi). Việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể triển khai trước đối với khối hành chính, sự nghiệp; còn những lao động trực tiếp sản xuất sẽ là nhóm đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu sau cùng. Với báo cáo chung chung của đơn vị chức năng của Bộ LĐTBXH như hiện nay thì sẽ rất khó thuyết phục dư luận và cũng sẽ khó thuyết phục đại biểu Quốc hội thông qua”, ông Phạm Minh Huân cho biết.


XC/Báo Tin Tức
Tuổi nghỉ hưu của nam có thể tăng đến 62 tuổi, nữ đến 60 tuổi
Tuổi nghỉ hưu của nam có thể tăng đến 62 tuổi, nữ đến 60 tuổi

Một trong hai phương án về tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động sửa đổi là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2021, với mức lên tới 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN