Tăng số người cận nghèo tiếp cận bảo hiểm y tế

Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ - tỉnh Quảng Bình do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn hơn 5,9 triệu USD được thực hiện từ tháng 8/2010 - 8/2016.

Dự án gồm 4 thành phần là hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, hỗ trợ tăng cường dịch vụ y tế tuyến huyện, nâng cao năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế và vấn đề quản lý dự án. Thời gian qua, dự án đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt là sự hưởng lợi của người dân nghèo, các cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần cải thiện hệ thống y tế tỉnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba tỉnh Quảng Bình thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Theo Ban Quản lý Dự án, hầu hết các hoạt động của dự án đều được tỉnh bám sát kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính, đảm bảo tiến độ và mục tiêu, một số hoạt động vượt kế hoạch, góp phần tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo trên địa bàn, hiện nay đạt 83,39%; riêng tỷ lệ người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế theo Quyết định 797 đạt 45,45%, cao hơn chỉ tiêu đề ra. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, người cận nghèo đã được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế. Dự án đã hỗ trợ để phát triển và triển khai tốt các chính sách bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, giúp người cận nghèo tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong khuôn khổ dự án, từ năm 2013 - 2016, có 3 bệnh viện huyện ở Quảng Bình đã được hỗ trợ các trang thiết bị với giá trị khoảng 500.000 USD/bệnh viện; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản và cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Thủy với kinh phí khoảng 400.000 USD mỗi trung tâm. Dự án cũng hỗ trợ trang thiết bị cho trường trung cấp y tế với tổng kinh phí khoảng 300.000 USD và đào tạo đội ngũ giảng viên, nhân lực cho ngành y tế. Ngoài hỗ trợ của dự án, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ thêm cho các bệnh viện và các trung tâm y tế dự phòng hưởng lợi để đầu tư cải tạo, xây dựng các hạng mục, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phụ trợ; nâng cấp các phần mềm quản lý với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng...

Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tỉnh Quảng Bình, Sở Y tế và Ban Quản lý dự án tỉnh cũng đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm tăng cường, chú trọng việc quản lý, sử dụng trang thiết bị Dự án cung cấp, tăng cường cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân. Nhờ đó, đến nay hoạt động xây dựng các trung tâm y tế dự phòng huyện được nhanh chóng triển khai; hầu hết các trang thiết bị, hạng mục... của dự án đã được đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án vẫn còn một số hoạt động chậm tiến độ, 1 gói thầu phải đấu thầu lại nên phải chuyển sang kế hoạch năm 2016. Việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 không kịp tiến độ do khó khăn trong tìm kiếm đơn vị thực hiện chuyển giao nên phải tập trung hoạt động vào giai đoạn gần kết thúc dự án. Hoạt động giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra.

Quảng Bình là tỉnh có nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho y tế so với các địa phương khác còn hạn hẹp. Việc triển khai các chương trình y tế giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều hạn chế. Quảng Bình cần tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho hệ thống y tế của tỉnh, đặc biệt là huyện mới chia tách còn nhiều khó khăn...
Bài và ảnh: Võ Dung
Nhiều người được hưởng ưu đãi hỗ trợ y tế mới

Tỉnh Quảng Ngãi vừa thực hiện thay đổi quy định chế độ hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN