Tăng mức lương tối thiểu cho công nhân càng sớm càng tốt

Hôm qua (6/7), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu cho công nhân trong các doanh nghiệp. Dự hội nghị có đại diện các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động và Sở LĐ - TB&XH các tỉnh. Đa số ý kiến đều cho rằng tăng mức lương tối thiểu là rất cấp bách và tăng càng sớm càng tốt, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Lương thấp là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đình công của công nhân trong thời gian gần đây.Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN


100% vụ đình công do lương thấp

Trong 6 tháng, ở khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) Hà Nội xảy ra 35 vụ công nhân đình công. Ông Ngô Chí Hùng, Phó Ban quản lý các KCN, KCX Hà Nội cho biết: “Khác với những lần đình công trước, năm nay công nhân không đòi phụ cấp mà chủ yếu là đòi tăng lương”. Theo ông Hùng, hiện Hà Nội có 257 doanh nghiệp (DN) FDI và “hầu như chỉ chấp hành đúng khung bậc lương tối thiểu Nhà nước quy định, không thêm được là bao”.

Số vụ đình công tăng, nguyên nhân đình công đều do lương thấp cũng là thực trạng ở nhiều tỉnh, thành khác. Theo một đại diện Liên đoàn Lao động Hưng Yên, 6 tháng đầu năm, tỉnh này xảy ra 7 vụ đình công, không cao như Hà Nội, nhưng lại gấp đôi số vụ đình công ở tỉnh trong năm 2010. Sau tranh chấp, các DN đều đã nâng lương cho người lao động.

Tuy nhiên, không phải sau tất cả các cuộc đình công, nguyện vọng của công nhân đều được giải quyết. Ở Bắc Ninh trong 6 tháng đầu năm xảy ra 14 cuộc đình công, có những cuộc đình công tại DN vốn đầu tư Nhật Bản, chủ DN kiên quyết không tăng lương với lý do họ đã trả cao trên mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Đời sống người lao động gặp khó là do lạm phát chứ không do DN.

“Phải khẩn trương tăng lương để giảm bớt khó khăn của người lao động và đảm bảo nhu cầu thực tế”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng nói.

“Càng sớm càng tốt”


Theo điều tra mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong quý I/2011, thu nhập của công nhân ở mức thấp trong các DN ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng, ở một số địa phương khác là 1,8 - 2 triệu đồng/tháng. “Với mức này, người lao động sống rất khó khăn vì tiền nhà, điện, nước, sinh hoạt và các nhu yếu phẩm hiện nay đều tăng”, ông Trần Văn Tự - chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu, Chính phủ phải cân nhắc giữa một bên là đòi hỏi của người lao động trước nhu cầu cuộc sống và một bên là nhiều sức ép đặt lên vai DN. Nếu thực hiện điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2012 thì thuận hơn cho DN vì trùng với năm tài chính của các DN. Tuy nhiên, trước khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt hiện nay, Chính phủ muốn kêu gọi và đề nghị DN thực hiện điều chỉnh tăng sớm hơn 1 quý, tức là sẽ bắt đầu từ 1/10/2011.

Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thực hiện từ 1/10/2011, áp dụng như nhau giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, từ 1/10/2011, lương tối thiểu vùng I là 1.900.000 đồng/người/tháng; vùng II là 1.730.000 đồng/người/tháng; vùng III là 1.550.000 đồng/người/tháng và vùng IV là 1.400.000 đồng/người/tháng.

“Lần này, lương tối thiểu của DN trong nước và DN FDI bằng nhau đang tạo sức ép cho các DN trong nước (nhất là DN vừa và nhỏ) khi mà điều kiện thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý chưa bằng các DN FDI”, ông Phạm Minh Huân chia sẻ. Tuy nhiên, “việc tăng là cấp bách, và để thực hiện phương án tăng lương lần này, DN cần có giải pháp tiết kiệm các chi phí khác”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Lần đầu tiên “áp” mức hỗ trợ bữa ăn giữa ca

Theo số liệu của Ban quản lý các KCN, KCX Hà Nội, có 65% lao động là nữ đang làm việc tại đây. Họ là người ngoại tỉnh, đời sống đang rất vất vả. Hầu hết công nhân đều phải làm thêm. “Ở đây, không có chuyện công nhân làm 8 tiếng/ngày. Họ đều phải làm từ 10 - 12 tiếng/ngày”, ông Ngô Chí Hùng cho biết.

Vất vả là thế, nhưng hiện nay, mức chi một bữa ăn giữa ca của DN cho công nhân thấp ở mức... đáng ngạc nhiên. Hiện nay, Nhà nước chưa quy định cụ thể mức “sàn” tiền bữa ăn giữa ca cho công nhân nên các DN chi rất khác nhau. Ở KCN Bắc Ninh, có DN đã chi 20.000 đồng/suất nhưng cũng có nhiều nơi chỉ dừng ở mức 12.000 đồng. Còn ở Thanh Hóa, theo ông Phó Ban quản lý KCN Nghi Sơn, Thanh Hóa, có DN ở địa phương này chỉ chi 6.000 đồng/suất ăn cho công nhân.

Mức hỗ trợ đó, trong bối cảnh giá cả sinh hoạt, nhất là giá lương thực thực phẩm tăng cao không thể đủ đảm bảo duy trì sức khỏe và tái tạo sức lao động cho công nhân. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định mức hỗ trợ suất ăn giữa ca cho công nhân tối thiểu phải là 15.000 đồng/suất.
Đối với các DN 100% vốn nhà nước, lâu nay vẫn đang áp dụng hỗ trợ tiền ăn cho người lao động không quá 620.000 đồng/người/tháng, tương đương mức 23.850 đồng/suất. Tới đây, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, cần tiếp tục mức hỗ trợ này.

Việc “áp” mức hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho công nhân như trên là rất cần thiết, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thay vì đưa 1 mức cụ thể, nên quy định theo phần trăm của lương tối thiểu, để có thể sát với giá thị trường và hợp lý khi tình hình giá cả các mặt hàng đều tăng. Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân e ngại khó làm được điều này ngay và “Bộ sẽ xem xét nghiên cứu thêm”.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN