Tăng cường “liều thuốc” tuyên truyền

TS Dương Quốc Trọng (ảnh), Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trao đổi với Tin Tức xung quanh các giải pháp nhằm “đối phó” với tình trạng mất cân bằng GTKS.

´Thưa ông, trong thời gian tới, ngành Dân số- KHHGĐ sẽ có giải pháp cụ thể nào để cải thiện tình trạng mất cân bằng GTKS?

Đứng trước thực trạng gia tăng sự mất cân bằng GTKS, năm 2009, Bộ Y tế đã triển khai thử nghiệm tại 7 tỉnh, thành phố Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Năm 2010, triển khai mô hình này ở 18 tỉnh, thành phố và đến năm 2011, được mở rộng ra 43 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS cao.

Bộ Y tế đã xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tinh khi sinh giai đoạn 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án này dự kiến áp dụng tại 15 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS cao nhất nước, trong đó có 3 nhóm giải pháp chính dự kiến sẽ được hướng tới, gồm:

Một là, chú trọng công tác tuyên truyền. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng, để mỗi người dân hiểu rằng việc có con gái cũng giống, thậm chí còn tốt hơn con trai.

Hai là, nhóm giải pháp về kinh tế. Tại những vùng sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, vai trò của người đàn ông là rất quan trọng vì là lao động chính. Thêm vào đó, cũng còn nhiều người giữ quan niệm, con trai mới là chỗ dựa của cha mẹ. Do đó, các chính sách cũng cần hướng tới việc cải thiện chế độ an sinh xã hội, để người dân có thể yên tâm khi về già dù họ có con trai hay gái. Cũng cần tính đến cân đối mức sinh phù hợp để các tỉnh, thành phố đều đạt mức sinh thay thế. Khi áp lực giảm sinh không lớn thì tỷ số giới tính khi sinh sẽ được “cải thiện”.

Ba là, nhóm giải pháp xây dựng và thực thi pháp luật, trong đó giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên y tế, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng văn bản pháp luật mới: Ví dụ sẽ thay đổi quy định về nạo phá thai (hiện nay, việc nạo phá thai vẫn được cho phép và không cần điều kiện nhưng tới đây việc phá thai có thể cần có giấy phép của cơ quan y tế hoặc của ngành dân số...).

´Dự kiến, khi nào Việt Nam sẽ đưa tỷ số GTKS quay trở lại mức bình thường, thưa ông?

... “Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành sự thật, đã và đang gia tăng ít nhất trong 40 năm liên tục mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này... ...Mỗi gia đình cần tin tưởng rằng, sự cân bằng giới tính khi sinh là cần thiết cho mỗi quốc gia và cho mỗi gia đình”... (Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai")

Vấn đề đưa tỷ số GTKS về mức bình thường vào khi nào tùy thuộc vào sự can thiệp của chúng ta ngay tại thời điểm này. Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia quốc tế đã đưa ra dự báo về 3 kịch bản về tỷ số GTKS ở Việt Nam như sau:

Phương án tích cực: Tỷ số GTKS sẽ tăng lên khoảng 115 vào năm 2020 sau đó giảm dần và trở về mức 105 vào năm 2025.

Phương án quá độ: Tỷ số GTKS sẽ tăng lên khoảng 120 vào năm 2020 sau đó giảm dần và trở về mức 105 vào năm 2030.

Phương án không can thiệp: Tỷ số GTKS sẽ tăng lên khoảng 125 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì tới năm 2050.

Sự chênh lệch con số tuyệt đối giữa nam và nữ ở Việt Nam vào năm 2050 sẽ khoảng từ 2,3 - 4,3 triệu người, tùy theo các phương án nêu trên.

Xin cảm ơn ông!

Tìm “thuốc” trị “bệnh” mất cân bằng giới tính khi sinh
Tìm “thuốc” trị “bệnh” mất cân bằng giới tính khi sinh

Hàng trăm chuyên gia đến từ 11 quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo quốc tế “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”, do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức ngày 5-6/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN