Tăng cường kiểm tra công tác giảm quá tải

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện.

Thời gian qua, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã giám sát việc thực thi chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và cam kết không để bệnh nhân nằm ghép như thế nào? Những bệnh viện (BV) vi phạm cam kết có phải chịu hình thức kỷ luật nào không, thưa ông?

Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giảm quá tải BV tại các BV đã ký và cả chưa ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, nhằm cùng các BV tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại. Bên cạnh đó, các BV vẫn duy trì chế độ báo cáo trực tuyến về tình trạng nằm ghép tại BV lên Cục Quản lý khám, chữa bệnh. Một số BV chuyên khoa đầu ngành gặp phải tình trạng quá tải mang tính chất thời điểm đều được đôn đốc giải quyết.

Qua theo dõi, chúng tôi cũng nhận thấy, thời gian qua, nhờ thực hiện Đề án BV vệ tinh nên năng lực các BV tuyến tỉnh đã có những thay đổi đáng kể như BV ĐK Phú Thọ, Hà Tĩnh, Lào Cai... số bệnh nhân lên tuyến trên giảm hẳn, song vẫn tồn tại số bệnh nhân vượt tuyến do nguyện vọng và nhu cầu riêng.

Cần phải khẳng định rằng, Bộ Y tế và các BV đều rất nỗ lực và quyết liệt trong công tác giảm quá tải BV. Tuy nhiên, đây là việc không thể thực hiện trong một sớm một chiều, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các ban ngành. Đặc biệt, cũng cần sự hỗ trợ, ủng hộ và thông cảm của cộng đồng bởi các bác sĩ tại những BV đầu ngành như BV Bạch Mai, BV Nhi đồng I Thành phố Hồ Chí Minh... đang phải chịu một sức ép rất lớn.

Mỗi ngày tại đây thường tiếp nhận 4.000 - 7.000 bệnh nhân, trong khi cơ sở vật chất và nhân lực có hạn; Bộ Y tế dù đã rất nỗ lực hỗ trợ đầu tư để các BV xây dựng cải tạo thêm cơ sở, tăng thêm giường bệnh, song cũng cần có thời gian mới có thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng... Vậy nên, Bộ Y đề ra lộ trình ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép là để các BV tự nguyện, phấn đấu và tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện chứ không “ép buộc”. Nếu BV nào thực hiện tốt việc giảm quá tải thì sẽ được “khuyến khích” cộng điểm trong bộ tiêu chí đánh giá BV hàng năm.

Đến khi nào, Bộ y tế giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải BV, người bệnh không còn phải nằm ghép, thưa ông?

Toàn ngành y tế đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu của Đề án quá tải BV giai đoạn 2013 - 2020 là phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp chính gồm: Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng BV để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; Thành lập và phát triển mạng lưới BV vệ tinh; Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã trong cả nước; tăng cường đầu tư, xây dựng để các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng BV...

Xin cảm ơn ông!
Phương Liên - Đan Phương
Quá tải bệnh viện vẫn “như cơm bữa”
Quá tải bệnh viện vẫn “như cơm bữa”

Nhiều đề án nhằm giảm quá tải bệnh viện đã được triển khai. Ngày 29/3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có chỉ thị yêu cầu “hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN