Tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh cúm gia cầm trên người

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm tại châu Âu, Trung Quốc, Campuchia và một số nước trong khu vực, chiều 20/2, tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) đã tổ chức họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là dịch cúm A(H7N9).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp ở 14 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%).

Riêng từ ngày 6/10/2016 đến ngày 19/2/2017, Trung Quốc ghi nhận 425 ca bệnh mắc cúm A(H7N9) trên người, tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (giáp Việt Nam).

Các trường hợp mắc bệnh hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người.

Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1/2017 đã xảy ra một số ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia); đây là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta. Chính vì vậy khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Tình hình dịch cúm gia cầm, đặc biệt là cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Trước nguy cơ dịch cúm lây lan sang người, Thứ trưởng yêu cầu ngành y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống để đáp ứng các kịch bản đã được xây dựng.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch (nếu có), chia sẻ thông tin với ngành y tế.

Các ngành Công Thương, Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép.

Thứ trưởng yêu cầu Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur khu vực miền Trung, miền Nam tăng cường giám sát, chẩn đoán trên các mẫu nghi ngờ tại những địa phương giáp biên giới các nước đang xảy ra dịch cúm gia cầm.

Ngoài những ca bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp nặng, các trường hợp có triệu chứng nhẹ cũng cần được xét nghiệm để kịp thời phát hiện ca bệnh...

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2016, tại Việt Nam, dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm xảy ra tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố (Nghệ An, Cà Mau và thành phố Cần Thơ). Những tháng đầu năm 2017, theo thông báo của Cục Thú y, nước ta chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) trên gia cầm.

Đến nay, Việt Nam không có cúm A(H7N9), A(H5N8), A(H5N1) ở người. Cúm mùa lưu hành 3 chủng gồm: Cúm A(H3N2) chiếm 44,4%; cúm B chiếm 43,4%; cúm A(H1N1) chiếm 12,2%.

Trước tình hình trên, ngành y tế đã tăng cường phối hợp liên ngành, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo kịch bản, tổ chức giám sát chủ động các chủng cúm gia cầm trên người và động vật.

Ngay sau khi có thông tin về đợt dịch cúm gia cầm thứ 5, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp ứng phó, tập trung vào việc kiểm soát việc nhập lậu gia cầm.

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng; phối hợp với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra....


Thu Phương (TTXVN)
Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm rất cao
Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm rất cao

Nguy cơ phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như A/H7N9, A/H5N2, AH5N8 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN