Tăng cường đưa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, i- ốt…) ở nước ta vẫn khá cao, tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn và miền núi khó khăn. Do vậy, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là một vấn đề cấp thiết.

29% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu

“Vi chất dinh dưỡng là các chất mà cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ cho nhu cầu hàng ngày (thông qua đường ăn uống), song nếu thiếu hụt sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thiếu vitamin A gây mù dinh dưỡng, tăng nguy cơ tử vong, kìm hãm sự phát triển thể lực, trí tuệ. Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng, giảm khả năng lao động, học tập và tăng bệnh tật. Thiếu i- ốt gây bệnh đần độn, trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng đến bào thai”, TS Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết tại Hội thảo “Bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm” do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và UNICEF, tổ chức chiều 31/5, tại Hà Nội.


                                                                   Nên bổ sung vi chất vào các thức ăn hàng ngày-Ảnh CTV

Hiện tại, tỷ lệ trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Kết quả sơ bộ về Điều tra dinh dưỡng toàn quốc, (Viện Dinh dưỡng kết hợp với Tổng cục thống kê thực hiện năm 2009) cho thấy, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 bị thiếu máu, tương đương khoảng 29%. Đặc biệt, có tới 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Đây là lý do vì sao Tổ chức Y tế thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi).

Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ và có thai hiện nay vẫn còn cao, gây hậu quả xấu về sức khỏe bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng kém khi đứa trẻ ra đời. Kết quả điều tra năm 2009 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 28,5%, ở phụ nữ mang thai là 36,5%. Tỷ lệ này đặc biệt cao tại các vùng núi phía Bắc (56,7% và 56,7%), nam miền Trung (31,7% và 56,7%), vùng núi Đông Bắc (31,9% và 39,5%). Ngoài ra, trẻ em trước tuổi đi học còn thiếu các vi chất: Zn, Mg, Cu…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ lệ người bị đe dọa các rối loạn do thiếu i- ốt từ việc độ bao phủ muối i- ốt ở nhiều địa phương ngày càng giảm dần, từ 90% (năm 2005) xuống còn 69,5% (năm 2008). Điều tra gần đây cho thấy chỉ có 23/90 xã có độ bao phủ muối i- ốt tối thiểu đạt 90%, có 77,7% phụ nữ mang thai bị thiếu i- ốt, trong đó 44,6% thiếu từ mức độ trung bình đến nặng.

Cần đưa vi chất dinh dưỡng vào bột mì

“Có 3 giải pháp chính để phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng: Giải pháp ngắn hạn (nhanh chóng bổ sung vi chất dinh dưỡng như uống vitamin A, viên sắt, dầu); giải pháp trung hạn (tăng cường vi chất vào thực phẩm); giải pháp dài hạn (cải thiện toàn diện chất lượng bữa ăn của người dân). Hiện nay đã có 59 nước đã quy định bắt buộc đưa vi chất dinh dưỡng vào trong thực phẩm. Với khả năng của công nghiệp chế biến bột hiện đại, bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bột mỳ là một can thiệp tốt nhất cần sớm được triển khai. Việc đưa vi chất dinh dưỡng vào bột mì không gây ra những thay đổi bất lợi về màu sắc, mùi vị, thời gian sử dụng các đặc tính khác của bột. Giá thành không đắt”, TS Lê Danh Tuyên khẳng định.

Hiện nay, Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn bột mì/năm. Điều tra ở một số vùng nông thôn có thu nhập thấp cho thấy, riêng mỳ tôm đã có ít nhất 15 - 20% người dân ăn hàng ngày, đó là chưa kể một lượng bột mì lớn được tiêu thụ thông qua bánh bích quy, bánh mì… Do đó, nếu những quy định này (trong Dự thảo Luật An toàn thực phẩm) sớm được Quốc hội thông qua, khoảng 30% dân số sẽ được cung cấp vi chất dinh dưỡng từ nguồn bột mì.

Để giải pháp đưa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đạt hiệu quả cao, GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho rằng: “Trước mắt cần có các quy định bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm: Quy định bắt buộc dùng cho người, động vật, dùng trong chế biến thực phẩm phải là muối iốt, bắt buộc bổ sung sắt và các vi chất dinh dưỡng khác vào bột mì”.

Về phía mình, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu từng bước xây dựng quy trình tăng cường sắt vào nước mắm và một số thực phẩm tiềm năng khác. Tiếp tục nghiên cứu khoa học đánh giá, theo dõi tình trạng thiếu dinh dưỡng và về tính khả thi của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm khác. Thành lập tổ chức Sáng kiến bổ sung vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam, là cầu nối giữa các nhà khoa học, các nhà lập chính sách và các doanh nghiệp trong hoạt động tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN