Tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Trước thực trạng dịch cúm A (H5N1) xảy ra thời gian qua và có nhiều khả năng lây lan trên diện rộng, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp phòng, chống dịch cúm trên gia cầm, cũng như phòng, chống dịch cúm lây sang người.

Hiện tại tỉnh Ninh Bình, một ổ dịch cúm A (H5N1) đã xuất hiện tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) với 1.075 con vịt bị chết. Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các bệnh viện trên địa bàn và đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

 Sở Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh cúm A(H5N1) và A (H7N9) với các nội dung hạn chế tiếp xúc với các loại gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo tốt công tác vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, nhất là sau khi tiếp xúc với nguồn lây...

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng, lưu ý các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết, những trường hợp mới đi về từ vùng có dịch cần được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y nắm thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra; củng cố hoạt động của Đội chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng cơ động triển khai các hoạt động khoanh vùng, dập dịch khi có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn...

Trung tâm y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố phối hợp với Bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố chỉ đạo các Trạm Y tế xã, thôn, bản làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh hô hấp nghi ngờ mắc bệnh, khoanh vùng ổ dịch, đồng thời báo lên cơ sở y tế tuyến trên để lấy mẫu bệnh phẩm chuẩn đoán xác định. Các đơn vị điều trị tổ chức đào tạo, tập huấn lại cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác điều trị, chống dịch của đơn vị phác đồ điều trị các loại dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đặc biệt là phác đồ điều trị các loại cúm A(H5N1) và A(H7N9).

Đối với ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 3.343 con vịt; phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực phát hiện dịch và khu vực giáp ranh; cách ly ổ dịch và tiếp tục theo dõi.

Trong khi đó, tại Lào Cai, trước tình hình dịch cúm gia cầm từ vùng biên giới Trung Quốc có nguy cơ tràn vào Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai đã có chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó yêu cầu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tụ điểm tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Kiểm tra thân nhiệt của người nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công rõ trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo; thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm đến tận thôn, bản, tổ dân phố. Các huyện chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; tập trung vào các địa bàn chăn nuôi tập trung có nguy cơ cao, khu vực giáp biên giới, địa bàn có hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, khu vực ổ dịch cũ nhằm phát hiện và xử lý ngay ổ dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ngành Nông nghiệp đã có chỉ đạo các địa phương thống kê, rà soát tổng đàn, triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác theo kế hoạch tỉnh giao và tổ chức triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” đợt 1 năm 2017 trong thời gian từ 10/3/2017 đến 10/4/2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã có chỉ đạo rõ các lực lượng Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Thú y, chính quyền các địa phương cần tổ chức tốt việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tụ điểm tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 03/3/2017.

Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng về bệnh cúm gia cầm, mức độ nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch và không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; tuyên truyền để người dân mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có rõ nguồn gốc rõ ràng, đã được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, kiểm soát.

Tỉnh Lào Cai yêu cầu ngành Y tế có trách nhiệm phối hợp tốt với ngành Nông nghiệp trong việc phòng, chống bệnh cúm gia cầm; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra trên người, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh khi phát sinh trường hợp nghi cúm gia cầm trên người.

Tại Điện Biên, ngày 24/2, UBND tỉnh Điện Biên đã ra Công điện khẩn, chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng loại vi rút cúm gia cầm lây sang người.

Các địa phương và ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã được chỉ đạo khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch bệnh động vật các cấp (nếu cần thiết); rà soát chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực cần thiết để ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai Tháng tiêu độc khử trùng, các cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra giao thông, Thú y , Y tế tổ chức giám sát tại các thôn bản, khu vực tập kết, chăn nuôi, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vi phạm; rà soát số lượng gia cầm trên địa bàn để theo dõi, quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện sớm và khống chế kịp thời ổ dịch…

Tỉnh Điện Biên có 40,86km đường biên giới với Trung Quốc, các hoạt động giao thương chủ yếu tập trung tại lối mở A Pa Chải- Long Phú (thuộc địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và huyện Giang Thành- Vân Nam- Trung Quốc). Trong diễn biến dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang diễn ra tại Trung Quốc, trường hợp tử vong mới nhất được ghi nhận tại tỉnh Vân Nam, là tỉnh có đường biên giới với huyện Mường Nhé của Điện Biên.

Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Trạm Thú y các địa phương tăng cường giám sát từng hộ chăn nuôi, bám sát cơ sở nắm chắc tình hình dịch bệnh; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng chức năng khác giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển vào địa bàn tỉnh; tuyên truyền tới người dân không ăn gia cầm ốm, chết, sử dụng các dụng cụ bảo hộ khi giết mổ gia cầm. Đặc biệt, không ăn tiết canh gia cầm trong bất cứ trường hợp nào…. Tuy nhiên, với các loại gia cầm có nguồn gốc an toàn, cần khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng bình thường, không nên quay lưng lại với sản phẩm gia cầm an toàn.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên vẫn đang tích cực triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 (đợt 1 thực hiện trong năm 2016). Cho đến thời điểm này, toàn bộ 10 địa phương trong toàn tỉnh đã được cấp phát trên 23.000 lít hóa chất. Huyện Điện Biên đang tổ chức phun hóa chất khử trùng lần 4, huyện Mường Nhé phun lần thứ 3. Các huyện khác đang thực hiện phun lần thứ 2.

Địa bàn tỉnh Điện Biên hiện chưa có biểu hiện của vi rút H7N9. Tuy nhiên với vi rút H5N1, vùng lòng chảo Điện Biên vẫn được xác định là tồn tại ổ dịch từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do được kiểm soát tốt, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là vùng lòng chảo Điện Biên Phủ vẫn chưa bùng phát ổ dịch nào.

TTXVN/Tin Tức
Kiểm soát chống dịch cúm A/H7N9 xâm nhiễm qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy
Kiểm soát chống dịch cúm A/H7N9 xâm nhiễm qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, tỉnh Hà Giang đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác xâm nhiễm qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN