Tăng cơ hội cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tiếp cận, thụ hưởng các tiện ích thông minh

Tiếp tục tập trung, vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai 6 chương trình bảo trợ trọng tâm; phấn đấu vận động nguồn lực đạt 550 tỷ đồng, trợ giúp khoảng 3 triệu lượt người; chuyển mạnh sang bảo trợ toàn diện, bền vững, coi trợ giúp học nghề, việc làm, hỗ trợ sinh kế là trọng tâm; dạy nghề cho 1.200 người khuyết tật, tập huấn, nâng cao năng lực cho 2.000 lượt đối tượng...

Chú thích ảnh
Giáo viên hướng dẫn trẻ khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị) đánh bột làm các loại bánh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa, nhằm giúp các em có nghề và việc làm sau khi được đào tạo. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN

Đây là những trọng tâm nhiệm vụ được Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 9/12, tại Hà Nội. 

Cùng đó, trong năm 2024, Hội tập trung nghiên cứu, quán triệt, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ, hội viên các cấp; đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể dục thể thao, chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về người khuyết tật và quyền của họ. Hội tiếp tục vận động, thúc đẩy phát triển tổ chức Hội và hội viên ở cơ sở; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc áp dụng, sử dụng tiện ích công nghệ 4.0; đẩy mạnh vận động nguồn lực "Máy tính và thiết bị thông minh hỗ trợ sinh kế, học tập cho người khuyết tật, trẻ mồ côi". Việc này nhằm từng bước tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng thành thạo máy tính, trợ giúp trong tiếp cận thị trường sản xuất kinh doanh, học tập.

Năm 2023, tổng nguồn lực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì, vận động đạt 711 tỷ đồng. Với nguồn quỹ này, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động bảo trợ trọng tâm, trợ giúp trên 4 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế với tổng chi gần 640 tỷ đồng. Đồng thời, Hội thực hiện hỗ trợ y tế, giáo dục, cải thiện sinh hoạt, sinh kế, giảm nghèo và nhiều hoạt động trợ giúp đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tổ chức bếp cơm tình thương, xây trường học, xây cầu, tặng góc học tập, nuôi dưỡng, trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già, người nghèo, trợ cấp đột xuất, dạy chữ, dạy văn hóa... 

Chương trình “Máy tính và thiết bị thông minh hỗ trợ sinh kế, học tập cho người khuyết tật, trẻ mồ côi” được Trung ương Hội xây dựng, phát động thu được nhiều tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội để người khuyết tật, trẻ mồ côi chủ động hơn trong việc tiếp cận, thích ứng, hòa nhập cuộc sống, tạo sự bình đẳng thực sự trong xã hội...

Phúc Hằng (TTXVN)
Huế: Hơn 5.000 người cùng chạy, nối yêu thương với người khuyết tật
Huế: Hơn 5.000 người cùng chạy, nối yêu thương với người khuyết tật

Sáng 3/12, tại thành phố Huế, dù thời tiết không thuận lợi nhưng hơn 5.000 vận động viên trên khắp cả nước đã tham gia Chương trình Chạy cùng người khuyết tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN