Kỳ cuối: Gần dân, tôn trọng ý kiến của dân
Để thực hiện thành công chương trình tái định cư thủy điện, ngay từ khâu lập kế hoạch cho đến khi thực hiện, chính quyền, cán bộ cần gần dân và tôn trọng ý kiến của nhân dân. Giữa dân và chính quyền có sự đồng thuận, thống nhất đúng lý đúng tình, sẽ không để xảy ra việc người dân kéo nhau lên trụ sở huyện để phản đối.
Từng bước xây dựng, hoàn thiện
Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi vấn đề nguy cơ tái nghèo ở bản tái định cư với ông Lò Văn Muôn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. Ông Lò Văn Muôn khẳng định “Ngay lập tức người dân không thể có liền cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, vì trong nguyên tắc đã nhấn mạnh từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ổn định và nâng cao đời sống”.
Sau hơn 2 năm,người dân xã Tà Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu) tái định cư lên điểm mới, các trường học chưa được xây dựng, giáo viên, học sinh phải dựng lớp tạm để bảo đảm công tác dạy và học. |
Nói như cách của ông Lò Văn Muôn thì người dân phải kiên nhẫn chờ đợi để có cuộc sống tốt hơn. Ngặt nỗi, người dân đã nghèo, ruộng lại ít, nghề không có, trong khi chính sách tái định cư đã được thực hiện thì chuyện “chờ” là muôn thuở. Hy vọng mang lại no ấm cho đồng bào không phải là việc dễ. Trong khi đó, người dân đang thấp thỏm, kiếm từng bữa ăn để sống.
Ông Tòng Văn Muôn, Chủ tịch UBND xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu), là xã có nhiều bản tái định cư cho biết: “Xã có 8 bản tái định cư, trong đó có hơn nửa đang đứng trước nguy cơ tái nghèo, đời sống của người dân ngày càng khó khăn. Chính quyền không nhanh có chính sách phù hợp thì các bản này sẽ tái nghèo là việc mà đã nhìn thấy trước mắt”.
Cần sự thống nhất của dân
Gần 100 hộ dân ở bản Hỳ, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) sau khi đi thăm và bốc thăm nhận đất tái định cư đã không đồng ý chuyển. Chính quyền một lần nữa phải tốn kém kinh phí san ủi mặt bằng theo yêu cầu để cấp cho dân. Theo phản ánh của người dân là do chính quyền không họp dân và thống nhất vị trí tái định cư. Khi huyện đưa dân đi xem đất ở xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu), do quá xa nơi ở cũ khoảng hơn 60 km, đất sản xuất ít nên các gia đình bàn nhau không đi nữa. Do lỗi chính quyền huyện không hỏi ý kiến của dân nên sau bốn năm nhận đền bù, các gia đình ở đây vẫn chưa có mặt bằng dựng nhà, tiền thì ăn tiêu hết.
Theo đánh giá của trường dạy nghề huyện Than Uyên, sau khi học viên học nghề xong không mang lại hiệu quả nổi bật, rõ nét. |
“Việc người dân cho rằng đến điểm tái định cư mới, phải được cấp đất ở và đất sản xuất miễn phí là không đúng. Theo Quyết định 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì đền bù đất nơi ở cũ bằng hai hình thức: Một là cấp đất ở và đất sản xuất nơi tái định cư, thứ hai là bồi thường thiệt hại về đất bằng tiền để cho hộ dân tự nguyện tái định cư. Thực hiện theo cách một, nếu đất ở và đất sản xuất ở nơi tái định cư có giá trị thấp hơn thì người dân được hưởng bồi thường chênh lệch; nếu giá trị đất ở và đất sản xuất điểm tái định cư cao hơn thì người dân không phải đóng tiền”, ông Lò Văn Muôn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết. |
Ông Lò Văn Muôn, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhận xét: “Để xảy ra tình trạng này, có trách nhiệm của cán bộ, của các cấp, các ngành làm công tác di dân tái định cư, từ việc lên phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho đến quá trình thực hiện. Nguyên tắc là phải bảo đảm cho người dân về chỗ ở, ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất và có điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng và có cuộc sống vật chất, văn hóa tốt hơn nơi ở cũ. Khi anh lập phương án, có sự tham gia của người dân và đồng tình rồi, đưa ra phương án tốt, quy hoạch tốt thì không đến nỗi đời sống khó khăn”.
Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho rằng: “Để công tác tái định cư hiệu quả, mang lại ấm no cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, chính quyền cần tăng cường đối thoại lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân, xử lý công việc trên tinh thần đem lại quyền lợi cho dân”.
Nêu cao trách nhiệm
Nhiều bản tái định cư thủy điện ở thị xã Mường Lay (Điện Biên) và ở tỉnh Lai Châu đang tồn đọng nhiều vướng mắc như: đền bù không thỏa đáng, dạy nghề không phù hợp, mặt bằng sạt lún, công trình công cộng chậm xây dựng hay xuống cấp, ruộng cấp nhưng không có nước sản xuất… kể cả việc người dân bỏ bản mới về bản cũ. Trước vấn đề này, chính quyền các cấp cần có trách nhiệm, nhanh chóng vào cuộc để xử lý, tháo gỡ không để tình hình thêm phức tạm, xây dựng lòng tin trong nhân dân.
Trong Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội phân tích rõ hơn: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, khi thu hồi đất của người dân để thực hiện bất cứ vì mục đích gì mà làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường. Nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền lợi chính đáng của người dân, trong đó có nội dung bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất”.
Khi thực hiện chính sách thu hồi, đền bù, hỗ trợ và tái định cư, cán bộ thực hiện cần tuyên truyền, vận động và trình bày từng nội dung, từng vấn đề để người dân hiểu, không thắc mắc và đòi hỏi quyền lợi. Ông Bùi Huy Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành giải quyết thắc mắc của từng gia đình, cương quyết không để người dân phải thiệt thòi. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền và giải thích để người dân được rõ, đúng Quyết định, Nghị định của Chính phủ, của tỉnh Lai Châu”.
Bài và ảnh: PV