Một cựu chiến binh (CCB) Trường Sa từ tay trắng vượt khó vươn lên, trở thành người sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi hàng đầu ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, mỗi năm hỗ trợ đồng đội và người nghèo hàng trăm triệu đồng. Anh đã dựng tại tư gia một cột mốc chủ quyền mô phỏng theo cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Đông để “khuây khỏa nỗi nhớ Trường Sa”.
Đó là CCB Trần Văn Xuất ở tổ 95, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Anh nhập ngũ đầu năm 1984 và liên tục gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ đảo cho đến khi xuất ngũ.
Nhường nhau từng muỗng canh rau
Đơn vị anh Xuất đóng tại đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Có sức khỏe tốt cùng với tính thông minh, nhanh nhẹn, anh Xuất liên tục được phân công làm khẩu đội trưởng các khẩu đội 12 ly 7, ĐKZ, cối 82. Ở khẩu đội nào, anh cũng nắm vững tính năng, tác dụng, kỹ thuật và hướng dẫn cho từng chiến sĩ thành thạo động tác ở vị trí mình cũng như các vị trí khác.
Cơ sở SXKD đá mỹ nghệ của CCB Trần Văn Xuất. |
Ngoài nhiệm vụ trực chiến và huấn luyện, anh Xuất tổ chức trồng rau để cải thiện đời sống. “Trên đảo, chúng tôi chỉ trồng được cây rau sam đỏ, nhưng để có rau ăn không phải dễ”, anh Xuất chia sẻ. Người CCB Trường Sa nhớ lại, anh em phải lặn ngụp xúc san hô vụn dưới biển, đem lên đổ vào trong các bồn trồng rau. Phía dưới đổ cát (vì không có đất), phía trên đổ san hô vụn, rồi tra giống. Rau sam đỏ bám rễ vào san hô để sống. Không có nước ngọt, anh em phải tận dụng nước vo gạo để tưới rau. Cây rau mọc lên một cách còi cọc và hôm nào có bát canh rau thì hôm đó vui như bữa tiệc lớn.
Đảo Trường Sa Đông rộng khoảng vài ngàn mét vuông. Trên đảo chỉ có hai ngôi nhà: một nhà đại đội và một nhà trung đội. Nhà đại đội có 2 cán bộ và 1 chiến sĩ liên lạc. Nhà trung đội có 28 anh em. Trong nhà trung đội có hai dãy phản gỗ. Phản được kê trên các tảng đá cao 0,8 mét và cao hơn mực triều cường cỡ một gang tay.
Ở đảo, quần áo rất mau rách vì ngấm nước mặn. Người biết khâu vá bày cho người chưa biết, dần dần ai cũng biết khâu vá và chuyện mặc áo rách, áo vá là chuyện bình thường. Mỗi người một tháng được quân y cấp cho 10 viên C, hòa nước uống thấy chua chua, gọi là thuốc bồi dưỡng sức khỏe và anh em thường dành hết cho những đồng chí ốm đau...
Vượt lên mọi nỗi gian lao, 31 cán bộ - chiến sĩ coi nhau hơn cả ruột thịt, nhường cho nhau từng muỗng canh rau, từng viên thuốc, thìa cháo, không bao giờ có chuyện xích mích, bất đồng.
Nghị lực và tài năng
Sau khi xuất ngũ, anh Xuất theo học nghề điêu khắc đá, rồi đi làm công cho một cơ sở đá mỹ nghệ. Anh miệt mài tìm tòi, học hỏi, nâng cao kỹ năng chế tác và chắt chiu, dành dụm từng đồng, bền bỉ vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng. Đầu năm 1999, anh mở cơ sở SXKD đá mỹ nghệ (rộng hơn 5.000 m2) trên đường Huyền Trân Công Chúa. Với sự lanh lẹ, tháo vát, tay nghề tinh xảo và hết sức quan tâm người lao động, anh thu hút được nhiều thợ giỏi. Khách hàng trong nước và nước ngoài đến với anh ngày càng nhiều. “Mình phải nghĩ ra nhiều mẫu hàng đẹp, làm ra nhiều sản phẩm sắc sảo, ấn tượng, thì mới thu hút được khách hàng, mới sống được trong cơ chế thị trường”, anh Xuất chia sẻ. Vợ anh, chị Phan Thị Ánh, vốn là một cô gái bán hàng lưu niệm trên núi Non Nước, ngày ngày tảo tần cùng anh trên con đường vượt khó làm giàu.
Đầu năm 2008, anh chị mua tiếp 7.000 m2 đất, xây dựng cơ sở 2 trên đường Trường Sa. Với hai cơ sở SXKD đá mỹ nghệ, vợ chồng anh Xuất đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đội ngũ nhân viên bán hàng gần 30 người, người nào cũng biết từ 1 - 3 ngoại ngữ. Sản phẩm có hàng ngàn chủng loại. Nào cây, cá, chim, thú, ly, tách; nào bàn, ghế, tủ, giường, bình, lọ, chậu, thau; nào tượng Phật, tượng Chúa, tượng ông già, tượng thiếu nữ... Muôn hình vạn trạng. Từ những mặt hàng đá mỹ nghệ tiên tiến, đến các sản phẩm chế tác theo nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Từ những chiếc vòng đeo tay giá chỉ 5 - 10.000 đồng, đến những bức tượng có giá bán 300 - 400 triệu đồng. Sản phẩm của anh đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được khách hàng gần xa hết sức tín nhiệm.
Thắm nồng tình đồng đội
Mỗi năm, anh Xuất ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động tình đồng đội, uống nước nhớ nguồn, khuyến học, nhân đạo ở địa phương. Phong trào CCB ở phường, ở quận, ở thành phố cũng thường được người hội viên này ủng hộ kinh phí. Đã nhiều năm, anh tự nguyện bảo trợ chi phí học tập cho 6 học sinh nghèo mồ côi. “Nếu các cháu thi đỗ đại học thì mình sẽ tiếp tục bảo trợ cho đến khi tốt nghiệp”, anh Xuất khẳng định.
Năm 2009, anh Xuất đã cất công đi đến nhiều nơi, tìm lại đủ 30 đồng đội cùng đơn vị với anh trong những năm làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông, và từ đó, ai gặp khó khăn, hoạn nạn đều được anh tận tình giúp đỡ. Cụ thể như các CCB Nguyễn Đắc Hiếu (Đắk Lắk), Phạm Văn Xù (Phú Yên), Nguyễn Văn Tho (Bình Định)..., mỗi người đã được anh giúp 10 triệu đồng để sửa chữa nhà hoặc mua vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. CCB Hồ Văn Cường ở Phú Yên có con là Hồ Thị Anh Hào đang học tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng được anh nuôi như con ruột trong gia đình và chu cấp toàn bộ chi phí học tập.
31 chiến sĩ Trường Sa ngày ấy, hiện đang sinh sống tại 8 tỉnh, thành trong nước, hằng năm gặp mặt một lần, anh Xuất “bao trọn gói” mọi chi phí. Dựa vào địa bàn, anh em phân thành 4 chi hội. Mỗi chi hội được anh Xuất hỗ trợ 10 triệu đồng để làm quỹ. Và không biết tự bao giờ, những chiến sĩ ở đảo Trường Sa Đông năm xưa đã gọi anh Xuất là Chủ tịch Hội CCB Trường Sa Đông.
Sâu nặng tấm lòng với Trường Sa
Cứ tầm 3 giờ mỗi ngày, anh Xuất tự tay mang lưới ra biển, bơi thúng ra khơi để đánh cá. Sáng sớm, anh đem cá về, để một ít cho gia đình, còn lại, gọi bà con hàng xóm đến cho. Nhiều người ngạc nhiên hỏi anh hà cớ gì phải làm vậy cho nhọc thân? Anh từ tốn đáp: “Làm vậy cho đỡ nhớ biển!”.
Đặc biệt, ngay phía trước khuôn viên cơ sở 2, anh Xuất đã xây dựng một cột mốc đảo Trường Sa Đông (cao 6 mét) mà theo anh là để “khuây khỏa nỗi nhớ Trường Sa”. Nhưng sau khi xây dựng xong (cuối năm 2008), cột mốc này đã thành nơi tham quan của thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn thành phố và các tỉnh phụ cận. Ông Phạm Viết Sơn, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Hải, cho biết, những năm qua, cột mốc đảo Trường Sa Đông của anh Xuất trở thành một mô hình tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhiều người ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, ở các địa phương khác và cả người nước ngoài đã đến đây tham quan và rất cảm phục về tấm lòng của CCB Trần Văn Xuất đối với Trường Sa cũng như đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Một cán bộ Trung ương Hội CCB Việt Nam đã nói: Đây là người đầu tiên và duy nhất hiện nay trong cả nước dựng cột mốc chủ quyền quốc gia trong khuôn viên của mình, có tác dụng giáo dục ý thức bảo vệ đất nước, nhất là trong lúc biển, đảo Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm lấn.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM