Tác hại của “Mùa ăn nhậu”

Tháng Giêng, có tâm lý “xả hơi”. Đối với trẻ con, người già, phụ nữ họ có cách vui chơi: đi hội xuân, du lịch, mua sắm, ăn uống… Riêng đối với đàn ông, nhất là bợm nhậu thì thú vui phải kể đến là ăn nhậu.

Bợm nhậu cứ thế “dzô! dzô! dzô”. Từ đêm giao thừa, các đệ tử Lưu Linh đã “bắc mâm” nhậu cho qua năm mới. Cứ thế cuộc vui triền miên, ngày nào cũng nhậu, ngày nào cũng hát hò, cụng ly “trăm phần trăm”. Có bợm, hầu như lúc nào trong người cũng có men bia, men rượu, thở khè ra là người kế bên phải bỏ chạy. Cứ mới tỉnh dậy, mồm thở ra còn bay mùi men nồng nặc, bợm đã được bạn bè kéo đi dự tiệc mới. Vì tháng giêng là tháng nông nhàn, không có lý do nào từ chối nên buộc phải đi. Không đi bạn giận. Mà giới ăn nhậu đều biết, rủ một hoặc hai lần mà khước từ là nghỉ chơi, không ai thèm chơi với mình. Thôi thì ráng lết xác đến bàn nhậu. Dù một vài ly đầu hơi “dội” vì còn “dư âm” nhưng khi đã “vận hành” tốt, “nóng máy” thì nhậu cứ vô tư. 

Thường thì sáng mồng 6 Tết âm lịch, một số đàn ông nhà quê phải trở lên thành thị để tiếp tục làm việc, giã từ bia rượu. Nhưng họ chưa từ bỏ cuộc vui. Những ngày đi làm đầu năm, nhiều cơ quan như chiếc máy bay bà già, khởi động cà tịch cà tang, vào cho có lệ (hoặc vắng lặng như tờ) chứ ai làm gì. Thế là tiệc bày ra ngay tại cơ quan, hoặc kéo ra quán làm vài chai khai trương tân niên. Rượu, bia lại tiếp tục đổ vào miệng ào ào. “Trăm phần trăm” cứ thế hô to vang dậy khắp nơi. Bước ra phố, nơi nào chả có quán, người đông như gài mắm, nhiều đồng phục cơ quan xuất hiện rạng ngời gắp mồi, nhấm nháp bia với tâm trạng thoải mái. Tết mà, tháng giêng mà, Vô tư đi.

Ở quê nào thua kém gì. Ai đi làm mặc ai. Kẻ xa quê mặc họ. Dân nhậu vẫn cứ bét nhè. Có xị đế, đòn bánh tét, cái bánh chưng, đĩa trái cây (lấy trên bàn thờ gia tiên xuống) sẽ thành tiệc nhậu. Người góp chút ít, hùn nhau để làm bàn nhậu thêm phong phú.

Cũng vì tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” nên nhiều quý ông lao vào ăn nhậu, say bí tỉ, nhũn não, quay cuồng trong vòng xoáy của ma men. Từ đó họ bỏ bê công việc, lười lao động, thâm hụt kinh tế. Rượu làm cho con người mất đi lý trí, không còn là chính mình. Từ đó dẫn đến gây gổ, xô xát, đánh nhau đến toạc đầu chảy máu, vướng vào vòng lao lý. Lại có nhiều yên hùng, cứ say xỉn là dắt xe máy ra đường phóng như ngựa, lạng lách, vượt quá tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông cho chính mình và cho những người xung quanh, để lại nỗi đau cho gia đình.
Nguyễn Thanh Vũ
Uống rượu bia bao nhiêu là hợp lý?
Uống rượu bia bao nhiêu là hợp lý?

Các quan chức ngành y tế Anh khuyến cáo, đàn ông và phụ nữ không nên uống nhiều hơn 14 chén rượu mạnh một tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN