Sụt lún, nứt bất thường tại quốc lộ 6 qua Hòa Bình

Từ ngày 18/5 đến nay, tại địa bàn xóm Tân Lập, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình xuất hiện vết nứt bất thường hình quả trứng, có chiều dài khoảng 100m, rộng khoảng 60m. Địa điểm này nằm ven quốc lộ 6, nơi có nhiều hộ dân sinh sống.

Lực lượng chức năng thông báo nguy hiểm cho các phương tiện đi qua khu vực sụt lún. Ảnh: baohoabinh.vn


Trước đó, một số hộ dân phát hiện vết nứt trước sân, tường nhà; vết nứt tiếp tục xuất hiện hai bên mép đường 6, rộng khoảng 2 đến 3cm. Cách vết nứt khoảng 60 đến 70m xuất hiện vết trồi lên cắt ngang qua quốc lộ 6, rộng 1m, dài 8m, chiều cao khoảng 10 đến 15cm, hình lòng máng, sóng lượn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia giao thông của người và phương tiện trên tuyến đường huyết mạch này.

Thời điểm đầu, vết các vết nứt còn nhỏ nhưng càng về sau càng mở rộng hơn. Từ khi xuất hiện những vết nứt cắt ngang sân có chỗ từ 3 đến 4cm, nhiều nơi đến 10cm, cắt ngang nhà của nhiều hộ dân với bán kính 100m.

Ông Nguyễn Văn Niên ở xóm Tân Lập xã Dân Hạ huyện Kỳ Sơn cho biết: Sáng 18/5, ông phát hiện trước sân nhà có vết nứt nhỏ rất bất thường. Ban đầu, vết nứt chỉ rộng khoảng 1cm, chạy cắt qua sân trước cửa nhà. Đến chiều 18/5, vết nứt ngày một lớn, rộng khoảng 3 đến 4cm. Sau khi kiểm tra kỹ, ông thấy tường trong nhà, ngoài sân cũng có hiện tượng như trên.

Ông Nguyễn Công Thành, xóm Tân Lập, xã Dân Hạ cũng cho biết, cách đây hai ngày, ông thấy vết nứt cắt ngang qua sân. Sau thời gian ngắn vết nứt mở rộng hơn khá nhiều so với thời điểm ban đầu. Hiện, căn nhà 3 tầng của gia đình ông xuất hiện một vết nứt rộng cắt ngang qua sân. Nguy hiểm hơn, nền, tường nhà, trên tầng 1, tầng 2 cũng đã có những vết rạn nứt.

Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, các cơ quan chức năng, nhà thầu và đơn vị thi công đã phân công lực lượng ứng trực, điều hành giao thông và cho đặt các biển báo hiệu, đèn tín hiệu ban đêm, rào chắn, sơn kẻ trên mặt đường nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông qua địa điểm trên. Trước mắt nhà thầu và đơn vị thi công cử cán bộ cùng một máy toàn đạc điện tử đến nơi xảy ra sụt, nứt để đo các điểm chuyển vị trong phạm vi đang chờ xử lý nhằm phát hiện, theo dõi tình trạng lún và dịch chuyển dưới lòng đất để có phương án xử lý kịp thời.

Đại diện đơn vị thi công cho biết: Nguyên nhân tình trạng nứt, sụt đất bất thường này có thể là do lòng đất biến dạng, đất bên dưới có kết cấu mềm hoặc cũng có khả năng là do bị chấn động địa chất nên mặt đất biến dạng. Tuy nhiên, cần có sự tham gia kiểm tra, đo đạc, thăm dò của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương để có kết luận chính xác về hiện tượng này.


Vũ Trung Đức (TTXVN)
Khắc phục sụt lở Di tích Địa đạo Gò Thì Thùng
Khắc phục sụt lở Di tích Địa đạo Gò Thì Thùng

Những cơn mưa lớn liên tục diễn ra vào cuối năm 2014 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã khiến Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) bị sạt lở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN