Sừng tê giác không còn “hot” ở Việt Nam

Sau một năm triển khai Chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam thông qua vận động và tuyên truyền, nhu cầu về sừng tê giác tại việt Nam đã giảm 38%. Tuy nhiên, trước mối lo ngại khi số lượng tê giác đang tiếp tục giảm sút, việc bảo vệ tê giác vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tín hiệu vui

Kết quả thực hiện Chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam thực hiện từ tháng 8/2013 tới 8/2014 do công ty Nielsen (một công ty có tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường) cho thấy, nhu cầu mua và sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam đã giảm rõ rệt.

Những nỗ lực trong vận động, tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác của Việt Nam đang mang lại những hiệu quả tích cực.

Nếu như trước chiến dịch tuyên truyền, số lượng người Việt Nam có nhu cầu về sừng tê giác là 4,2% dân số thì sau một năm thực hiện chiến dịch, con số này chỉ còn 2,6%, giảm 38%. Đáng chú ý là số lượng người Việt Nam tin vào công dụng của sừng tê giác cũng đã giảm 25,4% (từ 51% xuống còn 38%). Trong đó, Hà Nội là địa phương chuyển biến nhiều nhất khi giảm tới 77% số người có nhu cầu với sừng tê giác (trước là 4,5% sau chiến dịch còn 1%), đồng thời tại Hà Nội, số người tin vào công dụng của sừng tê cũng giảm mạnh tới 53,3% từ 45% xuống 21%.

Tiến sĩ Teresa M. Telecky -Giám đốc bộ phận Loài hoang dã, tổ chức Humane Society International (HSI - Tổ chức Nhân đạo quốc tế) nhìn nhận, dù mới triển khai được một thời gian ngắn nhưng chương trình vận động, tuyên truyền trên của Việt Nam đã mang lại những thành công to lớn trong việc thay đổi nhận thức của người sử dụng sừng tê giác và tác động tích cực đến hành vi của họ. Kết quả này sẽ tăng thêm hi vọng để bảo đảm sự sinh tồn của loài tê giác trên thế giới.

Còn nhiều việc cần làm

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn khoảng 25.000 con tê giác. Con số này đang tiếp tục suy giảm do số vụ săn bắn trái phép gia tăng. Nếu như năm 2007 chỉ có 13 tê giác bị săn bắn trái phép thì năm 2012 con số đã tăng lên 668. Năm 2013 con số này tiếp tục gia tăng với 1.004 con. Tính từ đầu năm 2104 tới tháng 8/2014, đã có tới 821 tê giác bị săn bắn và dự kiến tới hết năm 2014, con số này có thể vượt qua số lượng năm 2013...

Chiến dịch Giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam phối hợp với HSI thực hiện từ tháng 8/2013 tới 8/2014 tại 6 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nhà Trang và Cần Thơ. Trong năm đầu tiên, Hà Nội được chọn làm đơn vị thực hiện với các biện pháp quảng cáo, đưa tin, pano, áp phích tuyên truyền và sẽ lấy kết quả để nhân rộng ra 5 địa phương còn lại. Đồng thời, công ty Nielsen trực tiếp khảo sát trên 1.000 người. Đây là một phần trong chiến dịch kéo dài 3 năm nhằm tuyên truyền, vận động giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam.

Những nỗ lực trong bảo vệ, bảo tồn tê giác luôn cần được quan tâm. Một trong những biện pháp để bảo vệ tê giác là tăng cường an ninh, giúp giảm tỉ lệ săn bắn trộm.

Ông John E. Scanlon, Tổng Thư ký Công ước Liên Hợp quốc về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả thực tế của Việt Nam trong công tác vân động tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Ông John E. Scanlon nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục phát huy các nỗ lực hiệu quả này ở tất cả các quốc gia liên quan để ngăn chặn và chấm dứt vấn nạn buôn bán trái phép sừng tê giác và giúp phục hồi số lượng quần thể tê giác trên thế giới.

Khoa học đã khẳng định, sừng tê giác không có công dụng y học, không phải là loài thuốc quý. Và dù Việt Nam đang có những tín hiệu vui trong công tác bảo vệ tê giác nhưng số liệu cho thấy vẫn còn tới 2,6% dân số trong tổng số khoảng 90 triệu dân Việt Nam vẫn có nhu cầu mua và sử dụng sừng tê. Con số này vẫn là mối lo lớn, ảnh hưởng tới sự sinh tồn của loài vật này. Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tỉnh táo trước tác dụng “ảo” của sừng tê giác. Bà Teresa M. Telecky nói, không nên thần thánh hóa sừng tê giác như một biệt dược, đó là một suy nghĩ sai lầm, không có cơ sở khoa học.

Theo HIS, mặc dù đang là quốc gia tham gia tích cực và hiệu quả trong công tác bảo vệ tê giác nhưng Việt Nam là một trong 4 quốc gia “nóng” gồm Nam Phi, Mozambique, và Cộng hòa Czech liên quan tới sừng tê giác (như trung chuyển, tiêu thụ, cung cấp). Do vậy, để bảo vệ loài vật này, Việt Nam càng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về sử dụng sừng tê giác là trái phép, lãng phí cùng các quốc gia khác trên thế giới.

Anh Đức
Phát hiện 5 sừng tê giác trị giá gần 15 tỷ đồng
Phát hiện 5 sừng tê giác trị giá gần 15 tỷ đồng

Tối 10/3, đồn Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất kiểm tra hành lý của ông V.C.L (quốc tịch Việt Nam), phát hiện có cất giấu 5 chiếc sừng và một số mảnh vụn sừng của loài tê giác hai sừng Châu Phi với trọng lượng 13,1 kg. Trị giá tang vật ước tính gần 15 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN