Sử dụng ngân sách hiệu quả sau cắt giảm

Theo phương án phân bổ ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến mỗi năm TP Hồ Chí Minh sẽ bị cắt giảm 80.000 tỷ đồng, tương đương 5%. Vì vậy, thành phố đang tính toán tìm nguồn thu khác để bù hụt ngân sách bị cắt giảm.

Nhiều nỗi lo

Trong buổi thảo luận về việc cắt giảm ngân sách vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ thực hiện đúng chỉ tiêu của Trung ương giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đang quá bức bối với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng; việc cắt giảm ngân sách trong năm tới sẽ dồn mức độ khó cho thành phố vì việc đầu tư này là không chỉ riêng cho TP Hồ Chí Minh  mà còn tác động đến vùng rất lớn. 

Nhận định vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín cho biết, trên thực tế, khi Trung ương cắt giảm ngân sách thì thành phố cũng không thể giảm chi thường xuyên vì đã giảm chi thường xuyên tối đa. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thành phố đang quá tải, các công trình công cộng, đường, trường, bệnh viện, vấn đề vệ sinh môi trường… cũng từ đó tăng lên, điều này tạo áp lực xã hội lớn. Có thể thấy, với áp lực dân số ngày càng đông, cụ thể mỗi năm hàng trăm ngàn sinh viên về TP Hồ Chí Minh nhập học, riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có hơn 250.000 người, chưa kể là lao động vãng lai. Thành phố đã  xây thêm gần 15.000 phòng học mỗi năm nhưng vẫn thiếu, 50 học sinh/lớp là chuyện thường. 

TP Hồ Chí Minh đang cần nhiều khoản chi để xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt hiện nay. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Trong bối cảnh đó, TS Bùi Quang Tín cho rằng, với mức giữ lại hiện tại, thành phố còn chưa thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nay giảm hơn thì rất khó. Với 23% ngân sách mà thành phố giữ lại hiện nay (chỉ bằng 7% so với GRDP  - tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố) cũng chỉ đáp ứng cho 31% nhu cầu đầu tư phát triển, trong khi thành phố đóng góp vào 21% GDP của cả nước và 27% ngân sách của cả nước. Dự kiến năm 2017, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng thu lên 347.000 tỷ nhưng chi chỉ tăng lên 60 ngàn tỷ đồng. “Nếu so sánh với các đô thị phát triển khác trong nước như Hà Nội hay Đà Nẵng, mức thu của các địa phương này không cao bằng TP Hồ Chí Minh nhưng tỉ lệ được giữ lại lại cao hơn”, TS Tín nói. 

Đề xuất thêm nguồn thu khác

Trước quá nhiều việc phải làm và sức hút của đô thị này gần như là lớn nhất nước, việc cắt giảm ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để thích ứng với lộ trình cắt giảm tỷ lệ ngân sách mà TP Hồ Chí Minh được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% (giai đoạn 2017-2020) kể từ năm sau, UBND TP Hồ Chí Minh đã có một số đề xuất lên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép tổ chức vài khoản thu khác. Cụ thể có 5 khoản thu, bao gồm việc lập các khoản thu mới không phải điều tiết về Trung ương và phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho một số khoản thu.

Thứ nhất, cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8%, 10% hoặc 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển, kết nối liên vùng. Thứ hai, cho phép nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về Trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định. 

Thứ ba, phân cấp cho thành phố được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý và phân chia theo tỷ lệ phần trăm thành phố được hưởng là 50% khoản thu này. Thứ tư, phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách thành phố được hưởng là 50%. Thứ năm, cho phép nghiên cứu phương án xây dựng, quản lý thu một số loại phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một đô thị lớn mà hiện nay chưa được pháp luật ban hành. Nguồn này không phải điều tiết về Trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách đầu thời kỳ ổn định.

TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng TP Hồ Chí Minh nên rà soát, cắt giảm bớt các khoản chi chưa hiệu quả để dồn lực cho phát triển trong bối cảnh nguồn thu để lại bị giảm. Cụ thể, với 7 chương trình trọng điểm để có cơ sở giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính… 

Thành phố nên xem xét lại bởi có nhiều chương trình, dự án chồng lấn lên nhau, hiệu quả chưa cao, từ đó cân nhắc chọn ra những chương trình, dự án quan trọng nhất, hiệu quả có sức lan tỏa nhất để tập trung đầu tư “đến nơi đến chốn” nhằm tạo cú hích cho sự phát triển. Ngoài ra, nên chọn lựa nhân sự, chủ đầu tư và thanh tra giám sát những dự án sẽ đầu tư trước, trong và sau khi đi vào thực tế để minh bạch thông tin, tài chính, tránh thất thoát ngân sách hay lãng phí ngân sách khi dự án sử dụng không hiệu quả. 
Hải Yên
Nhận diện "thủ phạm" gây ngập ở các đô thị lớn
Nhận diện "thủ phạm" gây ngập ở các đô thị lớn

Vấn đề ngập đô thị đã xuất hiện tại nhiều địa phương từ nhiều năm qua, đặc biệt là ở các đô thị lớn trong khu vực, từ đô thị cũ đến những đô thị mới hình thành sau này. Trong đó, việc đi tìm các nguyên nhân mang tính đặc thù của mỗi địa phương để đưa ra hướng khắc phục tận gốc trở nên vô cùng quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN