Sự cạnh tranh phân khúc kinh doanh thuốc phổ thông sẽ ngày càng tăng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong năm nay và năm 2012, thuế nhập khẩu bình quân đối với dược phẩm giảm từ 5% xuống 2,5%, điều này sẽ làm gia tăng thêm 10 - 20% đầu thuốc nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Như vậy, sự cạnh tranh và phát triển của phân khúc sản xuất, kinh doanh thuốc phổ thông sẽ ngày càng tăng.

Khách tham quan các gian hàng thuốc Việt. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng: Nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng kinh doanh, tập trung vào thuốc đặc trị do có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Đối với phân khúc ngành kinh doanh, nhập khẩu và phân phối thuốc, hiện ba doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 50% thị phần thuốc toàn quốc là: Zuellig Pharma (Xinhgapo), Diethelm (Thụy Sĩ) và Mega Product (Thái Lan). Ngay trong quý I/2011, nhập khẩu dược phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi nguyên phụ liệu ngành dược phục vụ cho các doanh nghiệp dược trong nước lại giảm.

Báo cáo mới đây của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) có nêu: Trong tháng 5/2011, thị trường dược phẩm nhìn chung tương đối ổn định, nguồn cung hàng vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, giá thuốc có biến động. Khảo sát giá thuốc trên ba thị trường trọng điểm ở Bắc, Trung, Nam của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược cho thấy: Một số ít loại thuốc nội và ngoại có điều chỉnh giá tăng/giảm. Một số mặt hàng thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ có mức giá bán buôn so với giá nhập khẩu chênh lệch khá cao. Cụ thể: Thuốc Cefolam 100 (hộp 10 viên) có giá bán buôn cao hơn giá nhập khẩu 39,76%, Max Fexim 100 (hộp 10 viên) cao hơn 120,88%, Pencid 200 (hộp 100 viên) cao hơn 119,43%...

Trong tháng 5, số lượng thuốc có giá nhập khẩu biến động tăng/giảm chiếm khoảng 15% số lô hàng được nhập. Các mặt hàng có biến động giá chủ yếu tập trung vào các loại thuốc xuất xứ từ Ấn Độ, Pháp. Nguyên phụ liệu sản xuất thuốc có giá biến động tăng/giảm tùy theo thị trường với mức giá tăng/giảm phổ biến dưới 15%. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai thị trường chính cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất thuốc. Đây cũng là thị trường tập trung nhiều mặt hàng có thay đổi về giá.

Theo Bộ Tài chính, sau đợt điều chỉnh tăng giá do tác động của các yếu tố chi phí (xăng, điện, tỷ giá), mặt bằng giá thuốc mới đã được hình thành và hiện tương đổi ổn định. Lượng cung hàng hóa dồi dào, sự gia tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm và sự tăng cường kiểm tra kiểm soát của Nhà nước đã góp phần bình ổn giá thuốc. Dự báo tháng 6/2011, thị trường dược phẩm tương đối ổn định, nhưng ở mức cao, một số ít thuốc ngoại và nội có thể tăng với biên độ hẹp do các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá một số loại thuốc do tác động của các yếu tố đầu vào.

Minh Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN