Sống lại làng gốm cổ Bồ Bát

Trăm năm qua, gốm Bát Tràng đã là một "thương hiệu" nổi tiếng từ Bắc vào Nam và tiếng tăm còn vượt cả ra ngoài biên giới. Gốm Bát Tràng hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, gốm Bát Tràng đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ...


Ấy thế nhưng, cũng trăm năm qua, gốm Bồ Bát lại là một cái tên bị lãng quên. Nếu muốn tìm hiểu thông tin về tên của làng gốm này, chỉ có một kết quả duy nhất: Đó là "tổ nghề" của làng gốm Bát Tràng.


Tuy nhiên, cũng chỉ một kết quả này cũng đã đủ sức nặng để khẳng định vị trí của làng gốm Bồ Bát. Và khi tôi cất công xuống tận làng gốm, lân la trò chuyện với những cụ cao niên trong làng, cùng lần giở lại những tài liệu còn ghi lại về làng... thì những khám phá về ngôi làng "tổ nghề" này càng thôi thúc tôi phải viết...


Làng nghề gốm nổi tiếng đất Cố đô xưa


Làng gốm Bồ Bát xưa, nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh từ cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo, cũng như những sản phẩm gốm sứ phục vụ xây dựng. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này. Thời Lý - Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” - loại gạch chuyên dùng để xây thành. Bên cạnh đó là những sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... Theo người dân trong làng, rất nhiều những di vật này đã được tìm thấy khi khai quật khảo cổ tại khu vực đền Vua Đinh, Vua Lê (Ninh Bình).


Xưởng gốm mang thương hiệu Bồ Bát của anh Vang.


Theo người dân nơi đây kể lại, năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình rời ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời. Nghề gốm sứ ở Bồ Bát đã bị “thất truyền” từ đó.


Hành trình khôi phục nghề gốm Bồ Bát


Theo sự giới thiệu của bà con xã Yên Thành, tôi tìm về làng Bạch Liên để gặp nghệ nhân Phạm Văn Vang, chàng thanh niên mới 31 tuổi nhưng anh là người đầu tiên và hiện cũng mới là người mở xưởng gốm duy nhất ở làng này. Với thương hiệu gốm Bồ Bát mà chính bàn tay anh đã dày công gây dựng lại, trong suốt 10 năm qua, anh đã tự mình đi tìm hiểu, xin học lại nghề cũ của làng Bồ Bát xưa về mở lò gốm tại quê hương và nhiệt tình truyền dạy nghề cho người trong làng với mong muốn cháy bỏng là khôi phục lại được nghề gốm đã từng mang lại tiếng thơm cho làng. Cùng chung sức với quyết tâm của anh Vang, người dân làng Bạch Liên, xã Yên Thành đang dần dần khôi phục lại nghề làm gốm đã bị thất truyền. Ở tuổi 31, anh Vang đã nổi danh là chủ một lò gốm mang thương hiệu gốm Bồ Bát được xây dựng ngay trên mảnh đất của cha ông để lại.


Bộ ấm chén, sản phẩm của gốm Bồ Bát do anh Vang chế tác.


Tới xưởng của gia đình anh Vang, tôi hơi bất ngờ với những gì mà một chàng trai trẻ đã làm được. Một khu mái lợp tôn rộng hơn 300 mét vuông với hơn 20 thợ là quy mô xưởng sản xuất gốm hiện tại của anh. Không khí làm việc rộn ràng khi thợ đang xếp các sản phẩm gốm mỹ nghệ và ấm chén, bát đĩa đóng thùng để chuẩn bị mang đi dự hội chợ triển lãm ở Tây Nguyên. Ngoài những sản phẩm chính là gốm mỹ nghệ như chuông gió, vòng cổ bằng gốm, các sản phẩm như lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa với đa dạng hình dáng, các màu men được chế tác khá tinh xảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí nghiêng về các mẫu họa tiết truyền thống tinh tế thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở vùng đất có gốc làm nghề.


Nước da ngăm ngăm, trông anh Vang già hơn so với cái tuổi 31 của mình, nhìn anh, người ta hình dung ra ngay "vị cứu tinh" của gốm Bồ Bát này đang theo đuổi một cuộc hành trình phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian nan. Được phóng viên về thăm cơ sở làm gốm và tìm hiểu về gốm Bồ Bát, anh Vang vui mừng bộc bạch với tôi về những ngày đầu học nghề, khi những sản phẩm gốm mang tên Bồ Bát đầu tiên ra đời và mong muốn khôi phục lại làng nghề như xưa.


Anh kể, anh vốn là một người con của dòng họ Phạm, một dòng họ đang sinh sống và làm gốm tại Bát Tràng. Hằng năm, người họ Phạm và các họ khác ở Bát Tràng vẫn về làng Bạch Liên để ăn giỗ tổ, trong những dịp hội ngộ, các nghệ nhân đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, ôn lại lịch sử của tổ nghề. Tự hào khi nghe những chia sẻ của các nghệ nhân trong họ, luôn mang trong đầu câu hỏi tại sao làng mình có rất nhiều nghệ nhân giỏi như thế mà lại bị thất truyền? Cậu bé Vang ngay từ khi còn là học trò đã say mê với những điều các bậc tiền bối kể, nên đã sớm ấp ủ ý định theo nghề làm gốm, sau này sẽ khôi phục lại gốm Bồ Bát. Năm 2001, sau khi học xong phổ thông, anh Vang đã khăn gói ra Bát Tràng để trực tiếp gặp các nghệ nhân xin học lại nghề cũ của làng Bồ Bát xưa.


Được sự tận tình hướng dẫn của các nghệ nhân, sau 3 năm miệt mài học và làm nghề, anh Vang đã thuê lò riêng ngay tại Bát Tràng và tự chế tác các sản phẩm để mang đi bán thử xem sao. Với các sản phẩm đầu tay nho nhỏ, chủ yếu là đồ trang sức mỹ nghệ như chuông gió, tranh gốm, và một số bát, đĩa, ấm chén... mang thương hiệu gốm Bồ Bát, anh tự mình mang đi giới thiệu ở thị trường TP Hồ Chí Minh. Hai năm lăn lộn trên thị trường đã cho anh rất nhiều kinh nghiệm, có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi nhưng chính điều đó lại càng làm cho anh thêm quyết tâm khi luôn đau đáu nghĩ về nghề truyền thống đã mất của làng mình. Anh chia sẻ: “Thời gian mang sản phẩm đi giới thiệu ở thị trường TP Hồ Chí Minh là giai đoạn khó khăn nhất. Một thương hiệu chưa từng ai biết tới không hề đơn giản để được tiếp nhận. Có lúc tôi phải xin vào làm chân dọn dẹp cho các siêu thị hay cửa hàng để được gửi sản phẩm để giới thiệu". Khó khăn đến như vậy, nhưng nhờ sự chịu khó chịu khổ và quyết tâm, trong 2 năm lăn lộn vừa chế tác, vừa đi giới thiệu sản phẩm, anh Vang đã được 150 địa điểm ở TP.HCM hợp đồng mua hàng và cho thuê địa điểm để giới thiệu sản phẩm gốm Bồ Bát.


Có thị trường tiêu thụ, khi cảm thấy đã "hòm hòm", năm 2006 anh mới trở về làng Bạch Liên để mở lò sản xuất gốm, lại bắt đầu một giai đoạn khó khăn mới. Mang những kinh nghiệm đã học hỏi được sau 5 năm vừa học, vừa làm, vừa đi giới thiệu sản phẩm, anh cùng người vợ trẻ vay vốn, mở lò gốm ngay trên mảnh đất của gia đình với thương hiệu gốm Bồ Bát.


Trong khi hầu hết các làng gốm trong nước đều đang sản xuất đồ gốm sứ gia dụng, gốm Bồ Bát bắt đầu "khởi động lại" với việc làm đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật. Với hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng, các sản phẩm đồ trang sức của Vang chủ yếu là vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng, tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật, được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu là vẽ bằng men màu rất độc đáo. Anh mang ra "khoe" với tôi một bộ ấm chén và lọ trà được chế tác theo dòng gốm sành nâu, là một sản phẩm do chính tay anh sáng tạo ra. Từ chất men màu đất đến độ mịn và các họa tiết ấn tượng cho thấy một bàn tay tài hoa không kém những nghệ nhân lành nghề Bát Tràng. Anh Vang tâm sự: "Làm gốm mỹ thuật hay đồ trang sức chỉ là điểm khởi đầu để đưa thương hiệu làng nghề dễ dàng đến được với nhiều vùng miền. Sắp tới gốm Bồ Bát muốn tạo nét riêng bằng việc tự chế tạo men, nhất là dòng gốm sắc trắng đã từng một thời mang lại tiếng tăm, đặc biệt là đưa các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô vào các sản phẩm để tạo nét riêng cho gốm Bồ Bát".
Những phấn đấu không mệt mỏi của anh Vang đã mang đến cho gốm Bồ Bát những thành công nhất định khi năm 2008, anh là người đầu tiên đã mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Rất nhiều người đã bất ngờ khi biết về một dòng gốm đã thất truyền. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm Bồ Bát cũng đã có mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền.


Bây giờ, tới xưởng của Vang, nhìn các nghệ nhân trẻ tuổi miệt mài vẽ các họa tiết lên sản phẩm, hay nhào nặn đất... đã thấy khí thế của một làng nghề đang dần quay trở lại, dù còn nhiều khó khăn trước mắt. Vậy là tâm huyết của chàng thanh niên trẻ tuổi Phạm Văn Vang và người dân làng Bạch Liên đã làm sống lại và đỏ lửa lò gốm cổ đã nguội tắt từ cách đây hàng trăm năm, sống lại thương hiệu gốm Bồ Bát.



Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN