Sông Kôn gồng mình 'gánh' công trình thuỷ điện

Trong cuộc tiếp xúc cử tri kỳ họp thứ tư - Quốc hội khoá XIII của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định vừa diễn ra tại trị trấn huyện Vĩnh Thạnh, nhiều lãnh đạo và cử tri trong huyện đã rất bức xúc trước tình trạng quy hoạch xây dựng quá nhiều công trình thuỷ điện trên sông Kôn, làm cho hàng trăm héc ta rừng đầu nguồn bị tàn phá. Sự việc này càng bức xúc hơn khi dự án xây dựng Nhà máy thuỷ điện Ken Lút Hạ với tổng công suất 06 MW thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh do Công ty cổ phần Thuỷ điện Bình Định làm chủ đầu tư - một công trình thuỷ lợi nhỏ, nhưng theo thiết kế và quy hoạch đã chiếm tổng diện tích đất rừng trên 49,63 ha, trong đó có 18,67 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất.

 

Sông Kôn, đoạn qua An Nhơn. Ảnh: Internet

 

Theo Phòng Quản lý thuỷ điện thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, các công trình xây dựng thuỷ điện trên sông Kôn và lưu vực sông Kôn từ huyện Tây Sơn lên huyện Vĩnh Thạnh đều được Bộ Công Thương quy hoạch và phê duyệt xây dựng theo hệ thống thuỷ điện “bậc thang”, nhưng từ thực tế cho thấy không có một con sông nào lại phải “gồng mình” gánh trên đó trên chục công trình thuỷ điện lớn nhỏ như sông Kôn. Hiện trên sông này các công trình thủy điện đã được đưa vào hoạt động và đang tiếp tục thi công gồm có: Vĩnh Sơn 1, Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom, Định Bình, Ken Lút Hạ và dự án thuỷ diện Nước Lương. Ngoài ra còn có các dự án khác chưa khởi công xây dựng như dự án Nước Trinh 1 và 2; Dự án Đăk Ple của Công ty cổ phần Thuỷ điện Bình Định và dự án thuỷ điện Đập Văn Phong do Công ty cổ phần Thuỷ diện Văn Phong làm chủ đầu tư.

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: việc quy hoạch xây dựng quá nhiều nhà máy thuỷ điện, nhất là những nhà máy thuỷ điện nhỏ trong thực tế không đem lại hiệu quả lớn đã hủy hoại hàng trăm, hàng nghìn héc ta rừng và đất canh tác của nông dân. Chưa kể trong quá trình xây dựng do các chủ đầu tư và nhà thầu đã làm ẩu, còn gây tác hại đến môi trường, bồi lấp dòng chảy của sông Kôn...

 

Thiết nghĩ, chỉ trên một đoạn của sông Kôn từ xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) lên xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) với chiều dài khoảng 80 km và cả lưu vực các con suối tại các xã thượng nguồn Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim đến nay đã có đến 14 dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện lớn, nhỏ - quả là một "kỳ tích" hiếm có. Sự xây dựng ồ ạt các nhà máy thuỷ điện này quả thực là "lợi bất cập hại" và còn một tiềm ẩn những tác hại khó lường khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý.

 

 

Viết Ý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN