Sơn La: Gặp người dắt trăm trâu về xuôi đổi súng trong kháng chiến năm xưa...


Ông Lò Văn Chim (sinh năm 1923), 52 tuổi Đảng, là một trong số 10 dân quân quả cảm đã dắt đàn trâu 100 con về xuôi để đổi lấy vũ khí về chia phát cho các đội vũ trang tại Sơn La thời kỳ kháng chiến “chín năm”. Tuy đã ở tuổi 88, nhưng ông Lò Văn Chim, hiện sống cùng gia đình tại bản Cang Mường, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, vẫn còn minh mẫn lắm.

Ông Lò Văn Chim kể: "Trước khởi nghĩa năm 1945, gia đình tôi nghèo lắm. Tôi mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, phải đi làm “côn hươn” (đi ở) cho phìa Mường Chanh. Phìa Mường Chanh được giác ngộ theo Việt Minh kháng chiến. Từ đó tôi trở thành người liên lạc đưa thư. Khi tôi đủ 17 tuổi, biết cầm súng thì tham gia đội du kích ở Huổi Oi (xã Mường Chanh), sau đó gia nhập Đội “Mú nóm lắc mương” (Đội thanh niên cứu quốc của người Thái ở Sơn La thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp). Ngày 26/8/1945, tôi cùng đội du kích Mường Chanh kéo quân đến hỗ trợ đội du kích Mường La bao vây đồi Khâu Cả, nơi có lính tây, lính Nhật, chính quyền bảo hộ đóng (nay là Khu Bảo tàng Nhà ngục Sơn La tại thành phố Sơn La). Giành chính quyền (26/8/1945) được ít lâu, lại nghe tin một bộ phận quân Pháp trở lại đánh chiếm Tây Bắc nên Ủy ban kháng chiến lâm thời của Mường Chanh lúc đó đã kịp thời vận động đồng bào ở các bản góp trâu ủng hộ kháng chiến".
 


Là một trong 10 người được lựa chọn vào tiểu đội dân quân đưa trâu về xuôi để đổi vũ khí cho vùng kháng chiến Mường Chanh, ông Chim nhớ lại: Chị Chu Thị Hương (chị của liệt sĩ Chu Văn Thịnh – lãnh đạo tổ chức Việt Minh tại Sơn La trước năm 1945) lúc đó là nhà buôn vải ở phố Chiềng Lề (nay thuộc thành phố Sơn La) dẫn đầu về xuôi trước để liên hệ và thuê ô tô chở vũ khí. Còn đội dân quân dắt trâu gồm 100 con, xuất phát từ Mường Chanh đến Yên Châu, Mộc Châu (Sơn La), men theo QL6 cũ dọc sông Đà về Tà Bờ (tỉnh Hoà Bình) rồi về Hà Đông, sau đó mới đến được địa điểm mua súng tại 1 kho ở tỉnh Hưng Yên. 


Đoạn đường trường chinh dắt trâu đi về xuôi đổi súng của những dân quân miền sơn cước Mường Chanh đầy gian nan, vất vả với thời gian hơn nửa tháng. Họ vừa lùa trâu, vừa phải lo cho trâu ăn, trâu nghỉ dọc đường, trải qua biết bao nhiêu chặng. Tiếp nửa tháng sau nữa, đoàn xe chở vũ khí (gồm 2 xe ô tô tải) về quê hương Sơn La kháng chiến cũng đầy chông gai vất vả chẳng kém lần dắt trâu về xuôi, bởi lúc đó Tây Bắc mới được giải phóng, dân đói khổ, đường đi vừa hẹp lại vừa xấu, có đoạn phải huy động người khuân vũ khí đạn dược xuống xe để qua đoạn lầy, đoạn núi sạt lở, xe mới bò qua. 


Được hỏi mang trâu về thì đổi được bao nhiều súng đạn? ông Chim trả lời: "Tôi thấy có cả súng máy, súng cối, nhưng chủ yếu là súng trường. Đoàn xe chở vũ khí vừa lên đến địa phận huyện Mộc Châu thì nghe được tin như “sét đánh” Mường Chanh thất thủ, quân Pháp đã đánh úp Mường Chanh rồi, dân bỏ bản chạy vào rừng chẳng biết sống chết ra sao nữa. Mọi người đều đau đớn trước nỗi đau mất nhà do không kịp chở vũ khí về quê hương kháng chiến". Ông Chim cho biết, 2 xe vũ khí ngay sau đó đã phát cho lực lượng bộ đội địa phương đang đóng quân ở Mộc Hạ (huyện Mộc Châu). 


Chuyện của ông Lò Văn Chim ở bản Hua Mường cùng đội dân quân xã Mường Chanh đem 100 con trâu về xuôi đổi vũ khí cách đây 66 năm vẫn còn khắc sâu trong chuyện kể bản mường của người dân ở Mường Chanh mỗi lần xã tổ chức kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Câu chuyện đưa 100 trâu về xuôi đổi súng còn thể hiện lòng tự hào, tinh thần yêu nước, quyết theo Việt Minh để bảo vệ bản mường, giải phóng quê nhà khỏi giặc ngoại xâm thời “chín năm” của đồng bào các dân tộc Tây Bắc./. 


Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN