Siết chặt tải trọng xe, tăng tuổi thọ đường bộ

Luật Giao thông đường bộ quy định phương tiện vận tải phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ, chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.


Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn đường bộ được lưu hành khi được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép, nhưng phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ cầu đường, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).


Tuy nhiên trong thực tế, quy định này dường như mất hiệu lực, vì hầu như không có phương tiện vận tải nào chịu tuân thủ và vẫn ngày đêm giày xéo các tuyến đường, khiến công tác bảo trì không theo kịp.

Khó khăn kiểm soát

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), khó khăn lớn nhất hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ hệ thống cầu đường và đảm bảo ATGT chính là thiếu công cụ để kiểm soát tải trọng xe.


Toàn hệ thống đường bộ của cả nước có tổng chiều dài gần 280.000 km, trong đó có 93 tuyến quốc lộ (QL) dài gần 17.000 km, hiện tại chỉ có 2 trạm kiểm tra tải trọng xe đang hoạt động thí điểm, với rất nhiều bất ổn về máy móc, trang thiết bị và nhân sự.


Trong khi đó, nhiều trục đường quan trọng được đầu tư nâng cấp đã không còn đáp ứng được lưu lượng xe. Mật độ giao thông tăng quá cao đã vượt quá năng lực phục vụ của đường, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Tuyến QL 1A đoạn Hà Nội-Vinh được đầu tư nâng cấp bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đưa vào sử dụng từ năm 1997, với tiêu chuẩn kĩ thuật cấp III, đường có lưu lượng xe thiết kế cao nhất 6.000 xe con chạy/ngày đêm.


Song, theo số liệu đếm xe tại trạm Đoan Vĩ đặt tại vị trí trung gian giữa Phủ Lý và Ninh Bình, thì năm 2004, lưu lượng bình quân trên đoạn tuyến này lên tới 15.000 xe con chạy/ngày đêm và năm 2006, bình quân là 16.500 xe con chạy/ngày đêm, tương đương đường có tiêu chuẩn kĩ thuật cấp I.


Nhiều tuyến QL trọng yếu trên QL 1A, QL 5… hiện đang quá tải lưu lượng xe gấp nhiều lần cho phép.

Những vết lún sâu trên tỉnh lộ 254B do xe tải trọng lớn lưu thông. Ảnh: Nguyễn Trình – TTXVN


Vận tải đường bộ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây không những về lưu lượng mà cả kiểu loại xe nặng. Theo thống kê của các khu quản lý đường bộ về thực trạng đường sá và lưu hành xe trên đường cho thấy tình trạng chở quá tải đang diễn ra nghiêm trọng trên tất cả các tuyến đường, cả về mức độ chở quá tải và số lượng xe chở quá tải như: Trên QL 3 có tới 28% xe chở quá tải, thậm chí có thời điểm lên tới 90%; trên QL 5 quá tải từ 30 - 200%...


Giới hạn tải trọng cầu, đường là 30 tấn, nhưng đa số xe đầu kéo chuyên dụng chở hàng bằng container hiện nay luôn ở mức từ 36-45 tấn. Thực tế này cấp thiết đòi hỏi sự thay đổi về cách tính tải trọng đối với phương tiện cho phù hợp, nếu không hệ thống cầu đường Việt Nam sẽ luôn phải “oằn mình” gánh chịu sức nặng quá tải tra tấn ngày đêm và phải đối phó với thực trạng quay vòng bảo trì.

Phương án mới

Hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT đã có thông tư “quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ”.


Bên cạnh đó, việc lưu hành xe trên đường bộ được thực hiện theo Quyết định số 60/2007/QĐ-BGTVT quy định về giới hạn xếp hàng của xe ô tô tải tham gia giao thông trên đường bộ và công bố tải trọng của đường bộ và Quyết định số 63/2007/QĐ-BGTVT quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn trên đường bộ.


Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng nhanh về lưu lượng vận tải và hàng hóa hiện nay, nhiều quy định không còn phù hợp.

Đơn cử, quy định chỉ cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên các đoạn, tuyến đường bộ cụ thể và trong những trường hợp đặc biệt; không cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ giới hạn đối với trường hợp chở hàng hóa có thể tháo rời (chia nhỏ) không thực hiện các biện pháp bắt buộc khi tham gia giao thông trên đường bộ; xe vượt quá trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ, nếu tổng trọng lượng của xe vượt quá trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ hoặc tổng trọng lượng của xe nhỏ hơn trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ, nhưng có tải trọng trục xe vượt quá 1,1 lần tải trọng trục xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ quy định... hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, vì thực tế, các quy định này rất khó kiểm soát và không phải lúc nào cũng kiểm tra được.

Trước thực tế này, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) đề xuất bổ sung quy định về tải trọng xe, cầu, đường bộ theo hướng hài hoà những bất cập về tải trọng của các phương tiện giao thông cơ giới và biển báo hiệu hạn chế tải trọng cầu đường bộ trước mắt và lâu dài.


Trước mắt, đối với các cầu đã vào cấp, đạt tiêu chuẩn, được xây dựng đúng thiết kế và có chất lượng tốt sẽ cho phép phương tiện được qua cầu tương ứng với cấp hoạt tải thiết kế cầu, chất lượng thực tế, chiều dài nhịp cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện mà không cần phải đặt biển hạn chế tải trọng cầu.


Đối với các cầu thiết kế theo cấp hoạt tải thấp hơn tiêu chuẩn, nếu năng lực chịu tải bằng hoặc lớn hơn cấp thiết kế thì không cần cắm biển hạn chế tải trọng; nếu năng lực chịu tải thấp hơn tiêu chuẩn thì cắm biển tải trọng trục với cầu có chiều dài nhịp nhỏ hơn 6 m; với cầu có ít nhất 1 nhịp lớn hơn 6 m thì cắm biển tổng tải trọng; đối với cầu có phát hiện hư hỏng, xuống cấp thì căn cứ vào kết quả đánh giá của cơ quan chuyên môn để cắm biển hạn chế cả tổng tải trọng lẫn tải trọng trục, tốc độ lưu thông qua cầu...


Việc sử dụng phương án này sẽ khá đơn giản, chi phí thấp vì chỉ cần sơn lại biển báo và ban hành thông tư.
Về lâu dài, cần quy định tải trọng cầu được xác định bởi trọng lượng lớn nhất của các phương tiện giao thông đi qua cầu với việc tính toán ở trạng thái ổn định.


Nguyên tắc của phương án này là tốc độ, trọng lượng và kích thước của các phương tiện phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các công trình trên tuyến. Khi lưu thông trên cầu chỉ được phép đi theo chiều đường, không được quay đầu, đỗ lại, chuyển hoặc tháo dỡ hàng hóa... Đối với những cây cầu xây dựng trong những năm khác nhau, theo tiêu chuẩn thiết kế khác nhau thì tải trọng căn cứ cụ thể vào hoạt tải thiết kế.


Trong trường hợp cầu yếu, hư hỏng thì căn cứ vào kết quả kiểm định, thử nghiệm, tính toán nếu thấy cần thiết. Với phương án này sẽ phải thay biển nên chi phí cao. Tuy nhiên, phương án này sẽ phân biệt rõ các nhóm xe như: Xe đơn, sơmi rơmoóc, xe kéo moóc và chỉ dẫn rõ tổng tải trọng của từng loại xe.

Sự tăng trưởng quá nhanh của vận tải đường bộ về lưu lượng và trọng tải xe khiến hệ thống đường bộ đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi ngân sách cấp cho khâu bảo dưỡng, bảo trì, nâng cấp đường bộ chỉ đáp ứng được 50-60% so với thực tế. Đây cũng là bài toán khó giải.


Không có thông lệ quốc tế
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) Hoàng Hà cho biết: Quy định tải trọng cầu đường bộ trên thế giới cũng không có sự thống nhất. Các nước khác nhau về cấu trúc, mô hình cầu đường và quy định pháp luật thì có sự phân cấp tải trọng khác nhau. Những nước phát triển thiết kế những tuyến đường chuyên dụng, phù hợp với từng loại hình vận tải và chỉ cho phép các loại xe phù hợp với kết cấu cầu đường đó được lưu thông. Vụ Khoa học công nghệ đang tập trung hoàn thiện các quy định về đặt biển báo hiệu hạn chế tải trọng cầu; lên danh sách một số tuyến quốc lộ chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, cảng biển để hoạch định việc cắm biển hạn chế tải trọng cầu và thống kê chi tiết việc kiểm định một số cầu trong thời gian tới để trình Bộ GTVT.

Đa số các xe vi phạm luật
Ông Khánh Toàn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Một xe container chở hàng thông thường gồm có phần đầu kéo, rơmoóc, thùng container và hàng chứa trong container, với tổng trọng tải tối đa 39,4 tấn. Song, theo quy định hiện hành, các xe container chỉ được phép lưu thông với tải trọng 40 tấn, không kể hàng hóa. Quy định này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp giao nhận hàng tại các cảng. Do vậy, quy định tổng tải trọng xe container lưu thông trên đường chỉ khoảng 40 tấn thực sự bất cập và khiến đa số các xe vi phạm luật. Thực tế này cấp thiết đòi hỏi sự thay đổi về cách tính tải trọng đối với phương tiện cho phù hợp.

Làm rõ cách tính đối với từng loại phương tiện
Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) Mai Văn Hồng cho biết: Khắc phục những bất cập về tải trọng phương tiện, cầu, đường hiện nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập vận tải quốc tế, Bộ GTVT đang soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về tải trọng cầu, đường để thay thế cho Quyết định số 60/2007/QĐ-BGTVT theo hướng làm rõ cách tính đối với từng loại phương tiện cụ thể. Theo đó, thông tư mới sẽ quy định cụ thể tải trọng của xe thân liền, tổ hợp xe đầu kéo tương ứng với các loại tải trọng được phép lưu hành. Bên cạnh đó, thủ tục xin cấp giấy phép xe quá khổ, quá tải sẽ có thay đổi so với quy định cũ: Chủ phương tiện khi đến xin giấy phép lưu hành xe quá khổ, quá tải chỉ cần mang bản chứng thực và có bản cam kết của chủ phương tiện là không vi phạm, chứ không cần mang giấy đăng ký bản gốc, đăng kiểm của xe đó.


Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN