Siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất

Việc buôn bán hóa chất nhập lậu, mua bán dễ dàng, sử dụng sai mục đích hóa chất tại chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh) nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung đã và đang gây ra nhiều bức xúc cho người dân.

Để quản lý chặt và kiểm soát được thực trạng này, cần quy hoạch lại nơi mua - bán; đồng thời có các biện pháp xử lý mạnh các hành vi vi phạm.

Quản lý lỏng lẻo

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố có 600 đơn vị, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất. Tại chợ Kim Biên (quận 5) (còn gọi là chợ “thần chết”), chợ nổi tiếng về buôn bán, kinh doanh hóa chất tại TP Hồ Chí Minh, có 16 hộ cá thể kinh doanh hương liệu, bột màu, bơ sữa, phụ gia thực phẩm… còn xung quanh chợ có đến 93 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp, hương liệu, phụ gia thực phẩm đang hoạt động. Điều đáng nói ở đây, bất kỳ thời điểm nào, cơ quan chức năng kiểm tra cũng phát hiện vi phạm như: hóa chất hết hạn sử dụng, không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ, hóa chất nhập lậu…

Tiểu thương kinh doanh hóa chất sẽ phải hỏi chứng minh nhân dân, mục đích sử dụng của người mua hóa chất.

“Thực trạng buôn bán hóa chất nhập lậu, không rõ xuất xứ, không có thông tin đầy đủ theo quy định về nhãn… trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Người kinh doanh vì lợi nhuận nên bất chấp quy định của pháp luật trong kinh doanh hóa chất đã tiếp tay, tiêu thụ hóa chất nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng”, ông Phan Hoàn Kiếm cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý kinh doanh hóa chất hiện nay còn nhiều lỏng lẻo, nhiều bất cập. “Người bán không quan tâm người mua hóa chất về sản xuất hay sử dụng cho việc gì, người mua có thể mua axit mỗi lần cả can, giao dịch ở một nơi và giao hàng ở một nơi… Vì vậy mới có những vụ án dân sự, hình sự liên quan đến hóa chất (axít) gây hoang mang dư luận. Điều này cũng cảnh báo chúng ta cần phải siết chặt quản lý việc kinh doanh hóa chất trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung”, ông Hòa nói.

Từ năm 2014 đến quý I/2016, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ vi phạm kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc, nhập hóa chất độc hại. Theo đó, năm 2014 cơ quan chức năng phát hiện 306 vụ việc vi phạm, năm 2015 phát hiện 8 vụ kinh doanh 27.807 kg hóa chất lậu và trong quý I/2016 đã phát hiện 15 vụ vi phạm. Ngoài ra, Chi cục cũng đã chuyển cơ quan công an thụ lý nhiều vụ nhập lậu hóa chất.

Thực tế, việc kiểm soát buôn bán hóa chất hiện nay còn bất cập một phần là do cách thức quản lý chồng chéo, mỗi sở ngành chịu trách nhiệm một nhóm hóa chất khác nhau. Ngành công thương quản lý hóa chất công nghiệp, tiền chất nông nghiệp; ngành y tế quản lý hóa chất bào chế dược, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn; ngành nông nghiệp lại quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… nhưng hầu như không có ngành nào kiểm soát tại điểm mua - bán.

Cần đưa vào xử lý hình sự

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, muốn siết chặt quản lý việc kinh doanh hóa chất, dù kinh doanh nhỏ lẻ, thì trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, công dụng, hạn sử dụng. Nếu là hóa chất công nghiệp thì đối tượng mua phải là đơn vị kinh doanh, không được sang chiết ngay trong chợ. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp thường xuyên trong kiểm tra việc kinh doanh hóa chất để kịp thời phát hiện sớm các vụ việc vi phạm. Còn theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đối với các loại hóa chất đặc biệt (như axit), người mua phải xuất trình chứng minh nhân dân, nêu rõ mục đích sử dụng. Người bán phải lấy đầy đủ thông tin của người mua, nếu người bán không chấp hành, khi xảy ra vấn đề phạm pháp hình sự, người gây án khai báo mua hóa chất ở nơi đó thì người bán phải chịu tránh nhiệm. Ngoài ra, cũng cần phải xử lý nặng các hành vi xây dựng kho hóa chất trong khu dân cư để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.

“Mức xử lý vi phạm trong kinh doanh hóa chất còn thấp, chỉ vài trăm triệu thì không thể răn đe so với tính mạng của người dân. Vì vậy, vụ việc nào khởi tố hình sự được thì chúng ta nên làm khẩn trương để tăng tính răn đe. Thành phố đang có 2 vụ liên quan đến hóa chất công an thụ lý, nếu đủ cơ sở sẽ chuyển qua khởi tố hình sự. Đối với trường hợp tái phạm thường xuyên, giải pháp mạnh là nên rút giấy phép kinh doanh mới đủ sức răn đe”, ông Tuyến đề xuất.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ bài toán này cần xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất. Việc xây dựng này được thực hiện xã hội hóa để có khu trung tâm kinh doanh hóa chất đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh hóa chất của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Hiện thành phố đã giao Sở Công Thương xây dựng đề án quy hoạch khu trung tâm này.

“Các đơn vị đang tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên và trên toàn thành phố. Việc kiểm tra các ngành hàng kinh doanh trên địa bàn được Chi cục kiểm tra thường xuyên kiên trì và liên tục. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên kiểm tra bất ngờ, đột xuất vào bất cứ thời điểm nào. Đơn vị nào làm sai tới đâu sẽ bị phạt tới đó. Đối với những nơi làm tốt thì chúng tôi sẽ tuyên dương, khuyến khích, nêu tên trên các phương tiện truyền thông để người dân được biết”. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh.


Hoàng Tuyết
Xử phạt công ty ướp trà bằng hương liệu hóa chất
Xử phạt công ty ướp trà bằng hương liệu hóa chất

Ngày 1/6, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Đại Thành (phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trà, cà phê, về các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN