Siết chặt kinh doanh hoá chất bằng quy hoạch

TP Hồ Chí Minh sẽ quy hoạch các khu trung tâm kinh doanh hóa chất nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh hóa chất độc hại tràn lan, giảm thiểu tình trạng nhập lậu hóa chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Đây là phát biểu của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong cuộc họp về giải pháp xử lý tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại khu vực chợ Kim Biên vào ngày 23/5.


Chợ Kim Biên (quận 5) được xem là trung tâm phân phối, buôn bán hóa chất lớn nhất khu vực phía Nam. Tại đây, tất cả các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm được bán buôn, bán lẻ cung cấp cho thành phố và đi các tỉnh phía Nam. Theo đó, tất cả các loại hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm như hương liệu ca cao, hương trà chanh, chất chống ẩm mốc, nước rửa chén,…hóa chất công nghiệp dùng tẩy vải sợi nhưng được dùng vào việc tẩy trắng ngó sen, dừa, rau; hóa chất vàng ô nhuộm vải dùng để muối măng, nhuộm gà… đều được bày bán tràn lan tại chợ.


Theo các cơ quan chức năng thành phố, khi kiểm tra các tiểu thương và đơn vị kinh doanh thường ít có vi phạm vì họ “qua mắt” cơ quan chức năng bằng cách bên ngoài trưng bày hoá chất công nghiệp nhưng khi khách hàng có nhu cầu mua hoá chất thực phẩm người bán vẫn có thể cung cấp nhiều mặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh thường không để hàng tại nơi buôn bán mà có nhiều kho hàng riêng, khi khách hàng có nhu cầu, người bán sau khi giao dịch xong mới tới kho lấy hàng về cho khách.


Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cho biết toàn thành phố hiện có khoảng 600 tổ chức, cá nhân hoạt động, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất. Trong đó có 344 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất công nghiệp; 63 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất ngành thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật; 138 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất tổng hợp.

TP sẽ quy hoạch thành các khu trung tâm kinh doanh hóa chất để dễ quản lý.


“Vừa qua, chi cục quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 19 vụ thì có 15 vụ vi phạm. Theo đó, có 7 vụ kinh doanh 5.370 kg hóa chất nhập lậu, phần lớn xuất xứ Trung Quốc; một vụ buôn bán 200 kg hóa chất quá hạn sử dụng; 5 vụ vi phạm quy định về nhãn mác với 126.972 kg hóa chất, đã xử phạt 187 triệu đồng. Ngoài ra, Đội quản lý thị trường 1A kiểm tra tại địa bàn quận 5 và chợ Kim Biên phát hiện 18 vụ vi phạm gồm 3 vụ về hóa chất công nghiệp và 15 vụ về hóa chất an toàn thực phẩm, đã phạt tiền trên 182 triệu đồng, buộc tiêu hủy 12,5 kg phụ gia thực phẩm, hương liệu nhập lậu; 8.715 kg hóa chất công nghiệp nhập lậu”, ông Phan Hoàn Kiếm cho biết thêm.


Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý các vụ việc vi phạm về kinh doanh hóa chất, song tình trạng mua bán hóa chất độc hại, không rõ xuất xứ, hết hạn sử dụng…vẫn diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.


Theo ông Phan Hoàn Kiếm, nguyên nhân của tình trạng trên là do các đơn vị, cá nhân vì ham lợi nhuận nên mua hóa chất về sử dụng không đúng công dụng hoặc sử dụng vượt mức giới hạn trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, tẩm ướp cho thực phẩm dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, người kinh doanh cũng vì tham lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu của người mua, không cần biết mục đích của người mua nên bất chấp quy định pháp luật để tiếp tay và tiêu thụ hóa chất nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, hóa chất độc hại, hóa chất thuộc danh mục cấm... và bán hàng không xuất hóa đơn để trốn tránh việc truy xuất nguồn gốc nơi bán khi có sự cố xảy ra.


Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, nhu cầu sử dụng hóa chất, hương liệu là nhu cầu có thật trong xã hội. Tuy nhiên, việc kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm phải đảm bảo kinh doanh đúng pháp luật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân thành phố trong vấn đề phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cần kiên quyết chấm dứt việc kinh doanh hóa chất nhập lậu, hạn chế và ngăn ngừa tối đa việc mua và sử dụng hóa chất sai mục đích.


Trước mắt, để quản lý việc kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố nói chung và tại chợ Kim Biên nói riêng có hiệu quả, Công an TP.HCM cần xem xét một số vụ vi phạm quy định về kinh doanh hóa chất nếu đủ cơ sở sẽ tiến hành khởi tố hình sự để răn đe. Sở Công Thương xem xét các trường hợp vi phạm kinh doanh hóa chất, nếu tái phạm nhiều lần sẽ rút giấy phép, đặc biệt là các vụ nhập lậu hóa chất. Nghiêm cấm việc làm kho chứa hóa chất tại địa bàn khu dân cư, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những kho sử dụng chứa hóa chất trên địa bàn thành phố nhưng không thực hiện khai báo.


“Sắp tới TP.HCM sẽ thực hiện quy hoạch lại việc kinh doanh hóa chất trong và xung quanh chợ Kim Biên. Về lâu dài là quy hoạch và quản lý việc kinh doanh hóa chất của toàn thành phố tập trung ở các quận như quận 5, quận 10, Bình Tân. Theo đó, thành phố sẽ giao Sở Công Thương xây dựng đề án thành lập trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất trên địa bàn thành phố tại khu đất thuộc quận Bình Tân trên cơ sở kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Thời hạn cuối tháng 6, Sở Công Thương cần hoàn chỉnh đề án trình UBND TP.HCM xem xét, xin chủ trương, kêu gọi đầu tư”, ông  Tuyến cho biết thêm.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Hiểm họa cháy nổ từ kinh doanh hóa chất
Hiểm họa cháy nổ từ kinh doanh hóa chất

Việc quản lý và kinh doanh các loại hóa chất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, thành phố xảy ra 4 vụ cháy nổ do hóa chất làm chết 7 người và bị thương 11 người, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN