Sẽ xây dựng các trạm cân xe trên quốc lộ

Hoàn thiện công tác kiểm tra tải trọng


Hiện nay, hệ thống đường bộ cả nước mới có 2 trạm cân xe thí điểm tại Dầu Giây (Đồng Nai) và quốc lộ 18 (QL) - Quảng Ninh. Để tái khôi phục hệ thống trạm cân trên các QL, lộ trình công tác đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) xây dựng và đề xuất lên lãnh đạo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định với các bước đi thích hợp.


Với lộ trình này, việc khôi phục hệ thống trạm cân xe bắt đầu bằng việc thí điểm hoạt động 2 trạm cân, trạm Dầu Giây do Bộ GTVT giao Tổng cục ĐBVN trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và trạm Quảng Ninh do UBND tỉnh giao Sở GTVT địa phương quản lý. Hệ thống trang thiết bị cân xe tại 2 trạm thí điểm được đầu tư hiện đại hóa, với mục tiêu tránh đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của con người vào quá trình cân.


Cùng với đó, Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe cũng đã được Bộ GTVT ban hành. Nhân sự tham gia vào quá trình kiểm tra, xử phạt tại trạm là lực lượng chức năng đa ngành gồm: Nhân viên đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông nhằm đạt được sự minh bạch, chống tiêu cực.


Trạm kiểm tra tải trọng xe thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh.


Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện ngay từ năm 2012 Đề án quy hoạch trạm kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Theo đó, 20 trạm kiểm soát được cho là tối cần thiết sẽ được Bộ GTVT đề xuất cho đầu tư xây dựng trước.


Khẳng định việc kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ đường là cần thiết, dù trong bối cảnh tiết giảm đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã quyết định bố trí vốn năm 2012 xây dựng ngay 2 trạm cân xe trên QL70 và QL5. Trạm Phố Ràng trên QL5 dự kiến sẽ được ưu tiên đầu tư để kiểm soát xe quá tải ra vào cảng Hải Phòng ngay trong năm nay.


Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã chấp thuận phương án quy hoạch xây dựng 36 trạm cân xe trên toàn hệ thống quốc lộ và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Vị trí đặt trạm sẽ bám sát các hành lang vận tải lớn, các tuyến đường bộ trọng yếu, các nguồn hàng lớn, bố trí trạm cân xe tại vị trí kiểm soát được tối đa các phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trong khu vực.


Theo đó trên QL1 sẽ đặt 14 trạm, đường Hồ Chí Minh đặt 3 trạm, trên 19 tuyến QL được lựa chọn, mỗi tuyến sẽ đặt 1 trạm, gồm các QL số: 2, 3, 5, 6, 13, 14, 14B, 15, 18, 19, 22, 24, 26, 38, 40, 54, 55, 70, 91. Thứ tự ưu tiên đầu tư đã được xác định cùng với vị trí cụ thể đặt trạm cân xe trên từng tuyến đường cũng đã được khảo sát nghiên cứu. Dự kiến, việc đầu tư được phân kỳ thành 4 giai đoạn từ năm 2012 đến 2015.


Thu hút đầu tư xây trạm


Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 7 trạm trên các tuyến đường có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.000 xe/ngày đêm và 1 trạm Phố Ràng là điểm nóng cần giải quyết ngay. Giai đoạn 2 hoàn thành xây dựng 11 trạm có lưu lượng xe tải nặng lớn từ 1.000 - 2.000 xe/ngày đêm. Giai đoạn 3 hoàn thành xây dựng 7 trạm có lưu lượng xe tải nặng lớn từ 400 - 1.000xe/ngày đêm; Giai đoạn 4 hoàn thành xây dựng 10 trạm còn lại. Tổng mức đầu tư cho hệ thống 36 trạm cân xe là 2.994,43 tỉ đồng, đã tính cả trượt giá 10%/năm, với suất đầu tư ban đầu là 65 tỉ đồng/trạm.


Phương thức đầu tư xây dựng trạm cân sẽ mở theo hướng đa dạng hóa. Ngoài tiền ngân sách nhà nước, sẽ kêu gọi đầu tư từ xã hội. Nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện hoàn vốn từ thu tiền phạt quá tải, khai thác hạ tầng... Hiện đã có nhà đầu tư đề xuất được đầu tư trạm cân trên QL5 và QL70.


Cân xe bằng công nghệ cao


Cơ quan tư vấn xây dựng đề án - Trung tâm Kỹ thuật đường bộ, Tổng cục ĐBVN cho biết, công nghệ áp dụng tại trạm cân xe nhất thiết phải có độ tin cậy cao và phải được chứng minh qua thực tế. Từ thí điểm tại trạm cân Dầu Giây và Quảng Ninh với nhiều thiếu sót về công nghệ cân, ghi hình..., Tư vấn đề xuất trước mắt áp dụng công nghệ 3 cân gồm cân động tốc độ cao, cân động tốc độ thấp và cân tĩnh. (Công nghệ này sẽ áp dụng tại trạm cân Phố Ràng ngay tới đây).


Trong các giai đoạn sau, nếu chứng minh được công nghệ 2 cân đáp ứng yêu cầu thì sẽ áp dụng rộng rãi. Thiết kế mỗi trạm cân phải đảm bảo nguyên tắc: Ảnh hưởng thấp nhất đến các xe không thuộc đối tượng kiểm soát tải trọng và xe không vi phạm tải trọng; Không gây ùn tắc trên đường chính, đường chờ vào cân động tốc độ thấp và đường chờ vào cân tĩnh; Có đủ phương tiện và diện tích để dỡ hạ tải vi phạm; Đủ điều kiện ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm tải trọng tại trạm cân do lực lượng chức năng nhà nước tiến hành.


Tiếp tục triển khai gói giải pháp


Muốn giải quyết triệt để nạn chở quá tải trọng cho phép đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hiện nay, gói giải pháp tổng thể được Bộ GTVT đề xuất tập trung vào 4 vấn đề chính: Nhanh chóng hoàn chỉnh về thể chế, văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho lĩnh vực quản lý tải trọng xe cơ giới đường bộ; Sớm hoàn thành các quy hoạch và thực hiện phân bổ tỉ lệ đảm nhiệm hợp lý giữa các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm chi phí vận tải chung, giảm bớt áp lực cho vận tải đường bộ, giảm bớt các hậu quả về môi trường, ATGT cho đường bộ; Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng; Tăng cường kiểm soát, cưỡng chế hạ tải xong mới được tiếp tục lưu hành. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, nhóm giải pháp thứ 4 là giải pháp mạnh, cần thực hiện ngay.


Việc kiểm soát tải trọng phương tiện cần được thực hiện ngay cả từ khâu nhập khẩu, đăng ký đăng kiểm và kiểm soát tải trọng khi lưu thông trên đường bộ. Khảo sát của Tổng cục ĐBVN cho thấy: Có sự chưa chặt chẽ trong quy định về nhập khẩu, đăng kiểm loại xe nặng có khả năng vi phạm vượt tải khi lưu hành. Ngoài ra, trong tất cả các nghị định, thông tư của Bộ Công Thương về nhập khẩu phương tiện cơ giới đường bộ không có nội dung ràng buộc về tải trọng. Bước thông quan cũng không có nội dung quy định chi tiết các chỉ tiêu kỹ thuật về tải trọng khi kê khai. Vì vậy cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.



Thành Hiển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN