Sẽ khoán chi trong hoạt động khoa học

Yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan khoa học công nghệ công lập không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là cơ chế tài chính, cán bộ trong quản lý KH&CN bất hợp lý, không tạo được động lực cho đội ngũ cán bộ. Đây là ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và cũng là tình trạng chung của các tổ chức KH&CN công lập trên toàn quốc.

Cần “mạo hiểm” gỡ vướng

Gần 2 năm thực hiện Nghị định 115, hầu hết tổ chức KH&CN công lập của Bộ gặp nhiều khó khăn do thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và những bất cập của hệ thống các văn bản quy định về cơ chế chính sách hiện hành về tổ chức bộ máy, cán bộ, về quản lý hoạt động KH&CN; về quản lý tài chính. Đa số các nhà khoa học đều khẳng định các chính sách hỗ trợ, phát triển KH&CN như hiện nay đều có ý tưởng tốt song rất khó đưa vào thực tế bởi rào cản của các văn bản pháp luật.

Thực hiện cơ chế khoán sẽ giúp các nhà khoa học tự chủ trong việc triển khai các đề tài, đề án. Ảnh: Lê Phú


Về hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chỉ ra những bất cập trong hệ thống chính sách về tài chính cho KH&CN như: Nghị định 115 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, Thủ trưởng các tổ chức KH&CN được quyền quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức và miễn nhiệm cấp trưởng, cấp phó các bộ phận, tổ chức trực thuộc (Khoản 1, điều 10) nhưng không thực hiện được vì vướng các quy định về cấp phát kinh phí, quản lý công sở. Quy trình hiện hành vẫn phải theo cơ chế đề bạt cán bộ lãnh đạo phải là viên chức, đảng viên, như vậy vô tình đã làm mất đi sự tự chủ của thủ trưởng đơn vị.

Bên cạnh đó, Luật Cán bộ công chức và Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Cán bộ, viên chức, công chức không được tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp”, do vậy, khi các tổ chức KH&CN công lập thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp để áp dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu của đơn vị thì viên chức, công chức sẽ không được mua cổ phần sáng lập và không được tham gia điều hành. Việc đãi ngộ cán bộ cũ và mới, trong và ngoài biên chế, đánh giá công việc cũng như mức lương cũng có sự khác biệt.

TS Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô khẳng định: Nghị định 115 là rất đúng hướng, vấn đề cần giải quyết là những rào cản đang vướng phải. “Xong không phải là không có cách, có điều là có dám mạo hiểm hay không mà thôi”, TS Mai Xuân Triệu nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu Ngô đã thí điểm cơ chế tài chính đối với một dự án: Sau khi trừ đi các khoản thuế, lợi nhuận được chia đôi, một nửa để lại cho Viện, một nửa dành cho đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu ra sản phẩm. Điều này đã tạo ra không khí phấn khởi, tinh thần hưng phấn làm việc của các cán bộ nghiên cứu. Thậm chí, có người còn tự bỏ tiền túi làm các khảo nghiệm trước để nhanh chóng có kết quả vì họ biết trước, nếu thành công sẽ có thu nhập xứng đáng.

Đáng chú ý là mô hình nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Ngọc Trâm, nhà khoa học nổi tiếng với thương vụ bán bản quyền giống lúa 10 tỷ đồng. Mô hình này cũng cho thấy sự tự chủ và rất quyết đoán, dám làm của các nhà khoa học. Ở đây, các nhà khoa học được trả lương theo thỏa thuận, năng lực. Các nhà khoa học nhận được hàng từ doanh nghiệp và song hành cùng họ để sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả nhất. Vì vậy, vấn đề là cơ chế tài chính và cách làm.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Trong Nghị định 115 và Nghị định 96 đã quy định rõ, dần dần chúng ta sẽ bỏ cơ chế cấp kinh phí thường xuyên theo đầu người mà sẽ chuyển sang cơ chế cấp kinh phí thường xuyên theo nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó có nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của nghiên cứu và chi thường xuyên cho đề tài dự án. Bộ KH&CN đang cùng các bộ, ngành xây dựng mức chi thường xuyên cho các đề tài, dự án. Nếu không có gì thay đổi, từ năm 2011, toàn bộ tiền chi thường xuyên sẽ nằm trong đề tài dự án và trong nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KH&CN, khi đó các viện trưởng sẽ toàn quyền điều hành quỹ tiền lương, ai thì được hưởng và ngược lại. Bên cạnh đó, hiện nay, đầu tư cho KH&CN chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, có nghĩa là từ nguồn thuế, nên phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước về mức thu - chi, thanh quyết toán theo đúng quy định. Điều đó làm cho các nhà khoa học cảm thấy quyền tự chủ của mình chưa được triệt để. Nếu được áp dụng, cơ chế khoán sẽ tạo thuận lợi cho các nhà khoa học.

Đa dạng hóa các mô hình viện nghiên cứu

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ thẳng thắn thừa nhận: Chúng ta đã bàn và nói về vấn đề cơ chế chính sách cho hoạt động KH&CN quá nhiều rồi mà vấn đề hiện nay là chúng ta phải dám làm, dám chịu và dám thử nghiệm. Vì vậy, trước mắt, cần có cơ chế đặc thù cho một, hai mô hình thử nghiệm, giao quyền tự chủ thực sự để các viện thực hiện.

Không những vậy, theo ông Lê Huy Ngọ, hiện kinh tế đã có nhiều mô hình liên doanh, hợp tác, thì tại sao, chúng ta cứ nhất nhất chỉ có viện nghiên cứu công lập? Cũng có một số mô hình viện nghiên cứu tư nhân như Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, FPT... hay như các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã hình thành các viện nghiên cứu như Viettel, Dầu khí, Than khoáng sản... Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa đủ. Thời gian tới, cần có chủ trương mở rộng các hình thức đầu tư cho viện nghiên cứu như liên doanh với nước ngoài, mời các nhà khoa học Việt kiều, nhà khoa học nước ngoài có uy tín về làm chuyên môn...

Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia, GS Đỗ Trung Tá cũng đồng tình, không nên bàn nhiều nữa mà cần có những hành động cụ thể. Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học, quản lý có đủ thẩm quyền, có uy tín cần ngồi lại và chỉ ra rõ những vấn đề bất cập hiện nay về cơ chế chính sách cần sửa đổi ngay để trình Bộ KH&CN xem xét, sau đó nếu thấy hợp lý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. GS Đỗ Trung Tá cũng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng xem xét việc trích lại 1% tổng doanh thu của hoạt động xuất nhập khẩu nông sản để dành đầu tư cho KH&CN. Nếu được phê duyệt thì số tiền này ước chừng khoảng 3.800 tỷ đồng mỗi năm, một con số rất có ý nghĩa trong khi nguồn kinh phí dành cho KHCN đang eo hẹp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ sự đồng tình trong việc da dạng hóa các mô hình viện nghiên cứu và đa dạng hóa tài chính. Bộ trưởng cho rằng, trong việc này, những người làm khoa học cần bám đuổi đến cùng. Việc đa dạng hóa thì văn bản Chính phủ đã cho phép từ Nghị định 35 đến Luật KH&CN. Hiện nay, các tổ chức tư nhân và các thành phần kinh tế đã nhiều hơn cơ quan nhà nước rồi, về đa dạng hóa nguồn tài chính thì chúng ta đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp chưa mặn mà, càng DN “của nhà” thì càng không mặn mà với việc này. Đây là vấn đề mà trong thời gian tới các bộ, ngành cần vào cuộc. Bộ trưởng cho rằng, khi Đề án đổi mới cơ chế tài chính về KH&CN được thông qua, một số vấn đề về cơ chế khoán sẽ được giải quyết.

Hạnh Hoàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN