Sẽ hạn hán, rét đậm kéo dài trong vụ đông xuân

Vụ đông xuân 2010 - 2011 miền Bắc được dự báo sẽ có khô hạn gay gắt hơn mọi năm. Bên cạnh đó, sẽ có 3 - 4 đợt rét đậm - rét hại kéo dài và nguy cơ bùng phát sinh bệnh trên cây lúa rất cao.

Vụ đông xuân được dự báo sẽ bị khô hạn gay gắt hơn mọi năm.
Ảnh: Lê Bá Liễu-TTXVN  

Để chủ động đối phó với những khó khăn này, sáng qua (19/11), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về “Đánh giá kết quả sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2010; triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2010 - 2011 ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ”.

Hạn hán gay gắt

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng Dự báo khí tượng vừa và dài (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân vì các hồ thủy điện chứa nước mới chỉ đạt 70 - 80% mực nước thiết kế, còn lượng mưa cả vụ ở Bắc bộ phổ biến ở mức trung bình mọi năm. Như vậy, vụ đông xuân 2010 – 2011 sẽ là vụ khô hạn với mức độ gay gắt hơn mọi năm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đầu vụ đông xuân (tháng 1 - 3/2011), mức nước trên các triền sông lớn sẽ ở mức thấp hơn trung bình hàng năm, độ mặn ở vùng cửa sông có khả năng cao hơn trung bình hàng năm, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông và thẩm thấu ngầm, ảnh hưởng đến diện tích canh tác của các địa phương ven biển.

Bên cạnh đó, khu vực phía Bắc bộ có khả năng xảy ra 3 - 4 đợt rét đậm - rét hại kéo dài, tập trung vào tháng 12/2010 và tháng 1/2011. Đợt rét đầu tiên khả năng xuất hiện sớm hơn (so với thời điểm thường xuất hiện hàng năm).

Ngoài hạn hán, rét đậm rét hại thì “Vấn đề về giá lúa giống, phân bón và nhiều loại vật tư khác cao hơn so với những năm trước cũng sẽ gây khó khăn cho nông dân”, ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Hơn nữa, “nguy cơ phát sinh dịch bệnh như rầy nâu, đạo ôn, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen trong vụ đông xuân 2010 – 2011 cũng khá cao”, ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Chỉ xả nước trong hai đợt

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương gieo cấy, bố trí cơ cấu giống trồng phù hợp với tình hình thiếu nước trong vụ đông xuân 2010 - 2011, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước qua các đợt triều cường, đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất.

Vì năm nay không có lũ, mưa ít nên theo đại diện Cục Thủy lợi, các sở nông nghiệp cần chỉ đạo tập trung tích nước và xây dựng các phương án chống hạn, tu sửa các loại máy móc, trạm bơm chính và làm việc với lãnh đạo địa phương để xác định chính xác thời điểm thích hợp để lấy nước từ các hồ chứa nước.

“Ngày 17/11, chúng tôi đã mời đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương họp để thống nhất lịch xả nước. Thông thường hàng năm, với 650.000 ha diện tích cây trồng ở phía Bắc thì phải có 4 - 5 đợt xả nước nhưng năm nay vì quá ít nước nên chỉ có hai đợt. Đợt 1 từ ngày 27/1 - 2/2 (trước Tết) và đợt hai từ 8/2 - 14/2 (sau Tết)”, đại diện Cục Thủy lợi cho biết.

Theo Cục Thủy lợi, vùng Bắc Trung bộ đang vào thời điểm cuối mùa mưa nhưng vì các hồ chứa nước đã đầy vì các đợt lũ vừa qua nên cần đề phòng và giữ an toàn cho các công trình. Đồng bằng sông Hồng thì cần tranh thủ tích nước ở các ao, đầm, sửa chữa các công trình.

Về việc chống rét cho cây trồng, ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, nên dùng các biện pháp che phủ nilon cho mạ để vừa có tác dụng chống rét, vừa có tác dụng chống rầy trên mạ, góp phần hạn chế sự gây hại của bệnh vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 - 10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện rét đậm, rét hại xảy ra.

Đối với việc đối phó với tình trạng sâu bệnh, ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo, ngay từ đầu vụ phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, đặc biệt quan tâm đến đối tượng gây bệnh đạo ôn, vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen, rầy, sâu cuốn lá hại lúa, tăng cường công tác thanh kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp, tránh để nông dân sử dụng giống, phân bón kém chất lượng. “Nhưng phải chú ý, tránh tình trạng phun thuốc tràn lan tiêu diệt hết các loại thiên địch của rầy nâu. Chỉ khu vực nào bị rầy nâu thì mới phun thuốc diệt rầy”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, phải tiêu hủy toàn bộ nguồn bệnh mùa vụ 2010, để tránh lây lan sang vụ đông xuân 2010 - 2011, tránh tình trạng phơi rơm rạ trên mặt đường quốc lộ, nguồn bệnh cũ rất dễ gây hại cho các cánh đồng được gieo cấy bên đường.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Đây là vụ sản xuất cực kỳ khó khăn, vì vậy, các tỉnh phải vận dụng tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước với vùng thiên tai. Các địa phương cần có phương án chống hạn hiệu quả, không nên chủ quan đối với dịch bệnh. Cần chú trọng làm tốt trà xuân muộn, lập xuân xong phải triển khai cấy lúa ngay - đây được coi là trà lúa quyết định thắng lợi vụ đông xuân”.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN