Sẽ đổi mới về cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực

PGS.TS Phạm Lê Tuấn (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến YTCS.

Liệu ngành y tế có gỡ được “nút thắt” về chất lượng nguồn nhân lực YTCS, nhằm lấy lại niềm tin của người bệnh không, thưa ông?

Qua nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và chính sách y tế về năng lực cung ứng dịch vụ tại tuyến YTCS cho thấy, đúng là kiến thức và thực hành của cán bộ YTCS còn hạn chế, nhưng ở những nghiên cứu thí điểm khác cũng cho kết quả nếu được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thì các bác sĩ cũng thực hiện tốt, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Do đó, tới đây, ngành y tế sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ YTCS.


Đề nghị Thứ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng bác sĩ YTCS kê thuốc điều trị nhiều nhưng sai, thậm chí còn gây hại cho bệnh nhân?

Ngành y tế đã có chương trình sử dụng thuốc hợp lý an toàn, tại mỗi bệnh viện đều có Hội đồng Thuốc và điều trị (HĐTĐT) nhằm tư vấn cho Giám đốc bệnh viện về các vấn đề liên quan đến thuốc và điều trị bằng thuốc của bệnh viện, thực hiện tốt chính sách quốc gia về thuốc trong bệnh viện...

Việc kê đơn thuốc điều trị liên quan mật thiết đến trình độ của người cán bộ y tế và đòi hỏi cần liên tục kiểm tra, giám sát. Do đó, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá lại hiệu quả chương trình sử dụng thuốc hợp lý an toàn, đánh giá lại hoạt động của HĐTĐT, tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ y tế để họ có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử trí. Mục tiêu đặt ra là phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và xử lý kịp thời.


Nhưng khảo sát của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các trạm y tế vắng hoe là vì bác sĩ duy nhất đồng thời là trạm trưởng trạm y tế thường xuyên bận đi họp, đi tập huấn; tại đây cũng ít thuốc điều trị, ít dịch vụ y tế… Vậy làm cách nào để “ níu” người bệnh lại trạm y tế, thưa Thứ trưởng?

Đúng là có thực tế các bác sĩ trạm trưởng rất bận rộn với việc tập huấn, đi họp… và đây cũng là việc được Bộ Y tế “tính” đến. Vậy nên, tới đây, sẽ có sự thay đổi trong việc phân cấp phân nhiệm tại trạm y tế, thậm chí sẽ huấn luyện cho cả điều dưỡng để giảm tải cho bác sĩ trạm trưởng.

Đối với trạm y tế ở khu vực quá đông dân cư, sẽ triển khai mô hình tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới; trong quá trình đó, cũng đưa bác sĩ ở trạm y tế lên tuyến huyện để nâng cao khả năng thực hành, điều trị. Tuy nhiên, việc đưa cán bộ tuyến huyện về hỗ trợ tuyến xã không bắt buộc liên tục, sẽ căn cứ trên nhu cầu và xây dựng lịch hẹn trước đối với bệnh nhân.

Hiện nay, Bộ Y tế thực hiện bệnh viện vệ tinh tới tuyến tỉnh nhưng tới đây, dự kiến sẽ xây dựng hệ thống này xuống đến tuyến huyện. Khi tuyến huyện được nâng cao năng lực, còn tuyến xã đã là một bộ phận của tuyến huyện, các bác sĩ tại trạm y tế thường xuyên được đưa lên để nâng cao tay nghề, thì ắt sẽ tạo sự chuyển biến tích cực về chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Cũng rất mừng là mới đây, ngày 5/12, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế trong tình hình mới. Theo đó, sẽ có nhiều đổi mới mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS. Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT tại cơ sở y tế xã, huyện để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ ngay tại YTCS…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Liên
Báo động tình trạng bác sĩ cơ sở chẩn đoán nhầm
Báo động tình trạng bác sĩ cơ sở chẩn đoán nhầm

Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS - chủ yếu gồm trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện) vốn là tuyến tiếp cận đầu tiên của người dân khi ốm đau. Tuy nhiên, cho đến nay, người dân vẫn tìm cách vượt lên tuyến tỉnh, trung ương vì không ít bác sĩ cơ sở đã điều trị sai, thậm chí còn điều trị gây hại cho bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN