Say mê nghiên cứu khoa học dược

Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) là một trong những gương điển hình tiêu biểu trong việc say mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược, đưa lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao.

Từ năm 2010 - 2015, thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, được phân công phụ trách khối kỹ thuật, kiêm Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Bidiphar 1 (trực thuộc Tổng Công ty CP Bidiphar) đã cùng đồng sự, lãnh đạo đơn vị đưa ra định hướng phát triển phù hợp, mà trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để phát triển những sản phẩm mới chất lượng cao. Nhờ vậy, trong 5 năm qua (2010 - 2015), chị và các đồng sự đã nghiên cứu và đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành thêm 147 sản phẩm mới đạt chất lượng cao, góp phần tăng doanh thu của đơn vị hàng năm tăng 30% và tăng hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng. Đồng thời góp phần đưa sản phẩm thương hiệu thuốc Bidiphar mở rộng hệ thống kênh phân phối trên thị trường OTC, ETC và có mặt tại 5.109/10.000 nhà thuốc, đại lý GPP và 856/1.470 cơ sở y tế trong cả nước.

Đi đầu trong nghiên cứu khoa học

Chị Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trong khoảng thời gian 7 năm trở lại đây, ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, chị làm chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn và được công nhận là các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng tạo đạt cấp tỉnh và cấp Nhà nước. Trong đó, năm 2009, chị làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở: “Tối ưu hóa công thức, qui trình sản xuất thuốc tiêm đông khô Omeprasol”.

Công nhân đang làm việc trên dây chuyền sản xuất thuốc đông khô.



Đề tài này nghiên cứu thành công cho ra sản phẩm thuốc tiêm đông khô Oraptic, là một trong những mặt hàng chủ lực của công ty và mỗi năm mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng và tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động. Đến năm 2011, làm chủ nhiệm đề tài: Nghiên cứu sản xuất viên nén bao phim Aubidyl và cho ra một sản phẩm mới như: Vitamin, sản phẩm có chứa men sinh vật mà trước đây Bidiphar chưa sản xuất được. Đây là sản phẩm ít có doanh nghiệp Dược phẩm trong nước sản xuất được và đề tài được công nhận giải 3 tại Hội thi kỹ thuật sáng tạo tỉnh năm 2013. Từ năm 2011 - 2014, chị làm chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước: “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi hàu thương phẩm và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại Bình Định”. Dự án đã được nghiệm thu và đánh giá cao trong việc gắn kết giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để nâng cao giá trị thương phẩm cho sản xuất từ nông ngư nghiệp. Dự án mở ra triển vọng nuôi hàu thương phẩm tại 2 đầm của tỉnh Bình Định với hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho ngư dân tại đầm Thị Nại và Đề Gi, góp phần giảm việc khai thác làm hủy diệt nguồn thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường. Từ 2014 đến nay, chị tiếp tục làm chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước: “Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiezem phóng thích kéo dài quy mô công nghiệp”.

Đến nay dự án đang được triển khai với mục đích xây dựng qui trình sản xuất công nghệ cho một dạng bào chế hiện đại là viên phóng thích có kiểm soát nhằm góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp dược trong nước để sản xuất ra các loại thuốc đặc trị bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, thay thế thuốc nhập ngoại theo đúng định hướng phát triển của Bộ Y tế. Cùng với ông Nguyễn Văn Quá, Tổng giám đốc Bidiphar, chị đề xuất UBND tỉnh, Bộ Khoa học - Công nghệ triển khai dự án: ”Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư tại Công ty Dược - Trang thiệt bị y tế Bình Định” và đã được Bộ khoa học - Công nghệ phê duyệt và cùng với UBND tỉnh đầu tư kinh phí 244 tỷ đồng.

Hạt nhân lãnh đạo

Với trách nhiệm là con chim đầu đàn trong nghiên cứu khoa học và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đơn vị, chị đã động viên, khuyến khích và truyền đam mê nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; hai dự án cấp Nhà nước và 185 sáng kiến kinh nghiệm cải tiến kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất kinh doanh làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng. Từ năm 2013 - 2014 đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp chín Bằng Lao động sáng tạo cho tập thể và cá nhân. Riêng năm 2012, chị được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam; Giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2013; nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng 2013; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ 2010 và Huân chương Lao động 2013 và nhiều phần thưởng cao quí khác của các bộ ngành Trung ương và địa phương.

Chị Bành Thị Ngọc Quỳnh, phụ trách sản xuất của Bidiphar cho biết: Trong chỉ đạo, điều hành công việc, chị Phạm Thị Thanh Hương không chỉ đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học mà luôn chú trọng phát huy trí tuệ tập thể, khuyến khích tính năng động, sáng tạo của cán bộ công nhân viên; khích lệ, khơi dậy sự nỗ lực của mỗi cá nhân, nhất là kịp thời đưa ra những sáng kiến, giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của đơn vị.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Chị Phạm Thị Thanh Hương, với trọng trách là Bí thư Đảng ủy - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Tổng Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế tỉnh Bình Định, cùng với tập thể lãnh đạo đã thể hiện là hạt nhân lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hàng năm được UBND giao phó.

Bài và ảnh:  Viết Ý







Giảng viên đại học sẽ dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học
Giảng viên đại học sẽ dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học

Hiện nay, Bộ GD - ĐT rất khuyến khích các trường đại học nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt ở những giảng viên trẻ có năng lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN