Sàn giao dịch việc làm chưa hiệu quả

Hệ thống sàn giao dịch việc làm thuộc trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố trong cả nước được lập từ năm 2006 và duy trì hoạt động khá đều đặn cho đến nay. Tuy nhiên, các phiên việc làm mở ra nhiều mà hiệu quả không cao, chỉ đạt khoảng 20 - 30% so với nhu cầu tìm việc của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.


Người tìm việc thiếu thông tin

Theo chia sẻ của người lao động, một trong những khó khăn mà họ gặp phải khi tham gia các phiên giao dịch việc làm là thiếu thông tin cụ thể về vị trí tuyển dụng. Thường doanh nghiệp chỉ đưa ra tên vị trí việc làm, nếu có mô tả thì cũng rất sơ sài. Khi vào thực tế, công việc thường khác rất nhiều so với tưởng tượng của người lao động. Chính vì vậy, rất nhiều lao động tìm việc qua các sàn giao dịch phải thường xuyên “nhảy việc” vì không phù hợp.

Lao động đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm TP Hồ Chí Minh.


Tại một phiên giao dịch của sàn giao dịch việc làm tỉnh Hải Dương - đã được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nâng cấp thành sàn giao dịch khu vực miền Bắc, dễ nhận thấy rất nhiền bàn đăng ký tuyển dụng vắng bóng doanh nghiệp. Nhiều bàn đề biển tên doanh nghiệp cho có, còn đơn vị tuyển dụng không tham gia. Số lượng lao động tham gia cũng rất thưa thớt, những người lao động có mặt thì... không biết nộp hồ sơ cho ai.

Đã vài lần đi xin việc qua sàn việc làm Hải Dương, nhưng đến nay anh Hà Đình Quang (Mỹ Lộc, Hải Dương) vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. “Lần trước tham gia sàn giao dịch việc làm, tôi được giới thiệu đến một doanh nghiệp làm việc, nhưng họ bố trí không đúng như công việc tôi được tuyển dụng, vì thế tôi đã nghỉ việc”, anh Quang cho biết.

Tỷ lệ người lao động và doanh nghiệp tuyển dụng qua trung tâm giao dịch việc làm thấp đang gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.

Cũng trong tình cảnh tương tự, dù đã 3 lần đi tìm việc tại sàn giao dịch việc làm nhưng đến nay chị N.T.T (quê ở Bình Định) vẫn chưa có công việc ổn định. Mới học xong lớp 12, N.T.T theo anh trai vào TP Hồ Chí Minh kiếm việc làm. Hễ thấy báo đăng ở đâu tổ chức sàn giao dịch việc làm là lại tìm đến, với hy vọng tìm được công việc như ý. Tuy nhiên, cả 3 lần chị đều thất bại với chung lý do là thông tin về điều kiện làm việc không được doanh nghiệp thông báo cụ thể, chỉ yêu cầu trình độ, mô tả sơ lược công việc. Khi bắt tay vào công việc thực tế, chị mới “ngã ngửa” bởi công ty đầu tiên bắt tăng ca thường xuyên vào ban đêm; công ty thứ hai bắt đứng dây chuyền cả ngày; còn công ty thứ ba chi phí đi lại quá lớn.

Khó tuyển lao động có trình độ

Về phía doanh nghiệp, khó khăn mà họ gặp phải khi tham gia sàn giao dịch là không tìm được lao động có trình độ cao. Đa phần lao động tới sàn giao dịch việc làm đều là lao động phổ thông hoặc lao động mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm; đây không phải đối tượng mà doanh nghiệp “nhắm” tới. Để tuyển dụng được lao động chất lượng cao, doanh nghiệp phải tìm đến các kênh thông tin khác.

Ông Trần Quốc Hải, Phó Giám đốc Công ty Thương mại và sản xuất thực phẩm Lợi Hanh (Hà Nội) cho biết: “Lực lượng lao động đến tìm việc tại sàn giao dịch thường là những người trẻ, định hướng nghề nghiệp chưa có. Họ thường hay nhảy việc và ít kiên trì theo đuổi công việc. Do đó, dù lao động đến tìm việc đông, nhưng doanh ghiệp vẫn khó tìm được lao động đáp ứng yêu cầu và vì thế, doanh nghiệp cũng ít mặn mà với sàn giao dịch việc làm”.

Tư vấn việc làm tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội.

Cùng chung quan điểm này, bà Đào Thanh Hiên, trưởng phòng nhân sự công ty TNHH Minh Anh (quận Thủ Đức) cho biết: “Nhiều lần tham gia tuyển dụng nhân sự tại các sàn giao dịch việc việc làm, tôi rất bất ngờ với những câu trả lời thờ ơ của người lao động như thấy lương cao thì nộp đơn, hoặc nộp đơn xin việc tại công ty chỉ là để có đủ thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp chứ thực ra tôi không có nhu cầu tìm việc làm... Khi nhận được những câu trả lời như trên, chúng tôi sẽ loại ngay, cho dù mình có đang thiếu nhân sự”.

Năng lực kết nối thấp là do sàn giao dịch việc làm, thiếu thông tin chính xác về vị trí, đối tượng tuyển dụng, chưa thu hút được doanh nghiệp có uy tín. Bên cạnh đó, không ít người tới đăng kí tìm việc chỉ để hoàn thiện thủ tục nhận trợ cấp, mà không có nhu cầu tìm việc “thật”.

Về vấn đề này, bản thân các sàn giao dịch cũng như đại diện cơ quan chức năng cũng đã nhận thức được. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐTBXH) Hà Nội cho biết: “Lao động chất lượng cao không tìm đến sàn vì họ có nhiều sự lựa chọn khác, hiện chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở mức giải quyết việc làm cho lao động phổ thông”. Chính vì vậy, dù sàn giao dịch việc làm Hà Nội được đánh giá hoạt động hiệu quả trong cả nước, nhưng tỷ lệ giao dịch thành công cũng chỉ khoảng 27 - 28% nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận: Hiệu quả kết nối qua các sàn giao dịch việc làm chỉ đạt 20 - 30%. Có nhiều nguyên nhân, như một số doanh nghiệp, người lao động chưa biết tới các sàn giao dịch việc làm; người lao động chưa ý thức tôn trọng công việc mình muốn làm. Cho nên có tình trạng có người đến sàn xem nơi nào lương cao thì nộp đơn dù trình độ không đáp ứng được yêu cầu hoặc có lao động nhận việc xong thấy vất vả nên không làm nữa và quay lại sàn tìm việc khác... 

Xuân Minh - Hoàng Tuyết
Đổi mới hoạt động sàn giao dịch việc làm để tránh lãng phí
Đổi mới hoạt động sàn giao dịch việc làm để tránh lãng phí

Cả nước có 44 sàn giao dịch việc làm, chi phí đầu tư cho mỗi sàn cấp tỉnh, thành là từ 5 - 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động tìm việc qua trung tâm mới chỉ đạt 14% và tỷ lệ người sử dụng lao động qua trung tâm cũng mới chỉ đạt hơn 16%. Tình trạng này đang gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước nếu không có sự tổ chức chuyên nghiệp, bài bản từ nhân sự, mặt bằng, thiết bị công nghệ... cho các sàn giao dịch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN