Nếu ở Trường Sa, rau xanh được các chiến sĩ trồng trên nền đảo, còn ở nhà giàn, rau xanh được trồng trong các máng gỗ và treo ngoài lan can, gác trên trần nhà. Nhờ bàn tay chăm sóc của chiến sĩ, cùng với những giọt nước hiếm, mầm xanh từ những khay đất bạc mầu cứ vươn dài trong nắng gió đại dương.
Những mầm xanh ấy không chỉ là biểu hiện sức sống mãnh liệt của cỏ cây hoa lá ở nơi khí hậu khắc nghiệt, mà khẳng định tinh thần làm chủ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nơi đầu sóng ngọn gió.
Giàn mồng tơi ở nhà giàn Phúc Nguyên (DK1/15). |
Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 thế hệ đầu tiên vào những năm 1989 đến 1995, “chất xơ” trong bữa ăn hằng ngày chủ yếu là rau muống khô đem ra từ đất liền. Dù là rau muống khô, nhưng thời điểm ấy quí như “Mì chính cánh”. Để có bữa canh, rau muống khô được ngâm trong nước cho mềm, thái nhỏ, nấu với tép khô đem ra từ đất liền. Nhưng nguồn “chất xơ” ấy cũng đến lúc cạn kiệt. Mùa biển động, không câu được cá, tất cả nhà giàn đều ăn đồ hộp. Do lâu ngày không có rau xanh, nhiều chiến sĩ sinh đau vắt bụng, đi kiết lỵ, thậm chí đau bao tử.
Trước thực tiễn đó, chỉ huy Khung quản lý DK1 đặt ra câu hỏi: Phải trồng rau xanh ngay trên nhà giàn, phải bắt rau xanh mọc lên từ sóng nước. Ngay sau đó, phong trào “Rau xanh trên sóng” ra đời. Hàng trăm máng gỗ theo tàu trực đến nhà giàn, hàng chục cân hạt giống được phân phát tận nơi, hàng tạ phân cali theo tàu chuyển đến. Một cuộc sinh tồn mới lâu dài được triển khai khẩn trương.
Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, các nhà giàn ươm hạt giống trong máng gỗ, hoặc ủ trong bao tải cho nảy mầm, tận dụng tối đa nước thừa sau khi tắm, giặt, rửa mặt, rửa bát để tưới. Mặc dù được “ưu tiên, tiếp sức” như vậy, song những mầm xanh ấy chỉ lên khỏi mặt đất là chết lụi hoặc thối gốc vì hơi nước biển mặn và gió tạt. Không chịu bó tay, các chiến sĩ đã dùng bao tải cũ vá lại thành tấm bạt lớn, quây những bồn rau lại một góc, mà họ gọi là “làm nhà cho rau ở”, gió chiều nào che chiều ấy. Tất cả những vật dụng như chậu hỏng, xô thủng được tận dụng trồng rau, treo ở góc khuất gió, lan can cầu thang, hay trên trần nhà. Bồn rau của những nhà giàn có sân bay như DK1/10; DK1/11 thường xuyên di chuyển tránh gió mỗi lần phi cơ của quân khu 9 ra luyện tập cất, hạ cánh tại đây. Phong trào “vườn rau di động” cũng được áp dụng triệt để.
Bây giờ nhà nào cũng có rau xanh tươi tốt, nhưng vẫn là “hàng” hiếm hoi. Một nhà giàn có hơn chục bồn rau, gọi là nhiều nhưng phải tiết kiệm ăn dần, chủ yếu là thái nhỏ nấu canh buổi cơm trưa, khi nào có “khách” từ đất liền ra, hoặc dưới tàu lên chơi, mới dám luộc 2 đĩa rau, bữa đó coi như… liên hoan. Nhiều khi biển động cả tháng không câu được cá, anh em phải ăn cơm chưng với mắm tôm và đồ hộp, nhổ gốc rau dền tước vỏ thái nhỏ nấu canh. Những lúc nhớ đất liền, anh em lại ôm đàn ghi ta lên sân thượng gõ bập bùng. Lời hát “Đời mình là một khúc quân hành” vang dậy cả một vùng sóng nước. Sau những phút yêu đời ấy là khoảng lặng. Không ai nói ra, nhưng trong lòng mỗi người đều thèm một bữa ăn tươi sum họp, thèm hơi ấm đất liền, nhớ bố mẹ, vợ, con; nhớ hương cà bếp lửa ở quê nhà.
Tôi có 11 năm công tác tại Nhà giàn DK1. Những năm 1994-1997, nhà giàn nào cũng hiếm rau xanh. Loại rau trồng được chủ yếu là rau dền và mồng tơi. Rau xanh không chỉ giúp chúng tôi cải thiện đời sống trong bữa ăn hàng ngày, mà còn đi vào thơ ca, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các chiến sĩ. Tôi viết thư về đất liền khoe với người yêu. “Ở nhà giàn có giàn mồng tơi/ Gió cuồng phong không làm ướt lá/ Bởi lính nhà giàn có màu phép lạ/ Che nắng mưa bằng trái tim mình/ Anh gửi tặng em màu của đại dương/ Thư màu tím thắm tình anh tình biển/Nước ngọt rau xanh ở đây là “hàng hiếm”/ Chỉ đủ nấu canh, cho đỡ khát lòng”.
Bài và ảnh:Mai Thắng