Rau an toàn ở Hà Nội: Nhu cầu lớn nhưng tiêu thụ vẫn "buồn"

Theo Đề án phát triển rau an toàn (RAT) của Hà Nội: đến năm 2015, thành phố phấn đấu có khoảng 5.000 - 5.500 ha rau an toàn. Đến thời điểm này, Hà Nội mới có trên 3.200 ha RAT được trồng ở nhiều vùng sản xuất tập trung như Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Trì..., đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn. Không chỉ rau an toàn, hiện toàn bộ diện tích đất trồng rau của Hà Nội cũng mới chỉ đạt 12.000 ha, tương đương với gần 30.000 ha rau được gieo trồng trong cả năm. Với sản lượng đạt gần 600.000 tấn rau các loại/năm, người trồng rau Hà Nội mới chỉ cung cấp được hơn 60% nhu cầu về rau xanh cho người tiêu dùng Thủ đô. Mặc dù rau an toàn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, song người trồng rau vẫn gặp khó khăn do giá quá rẻ, tốc độ tiêu thụ chậm khi rau vào mùa thu hoạch rộ liên tục.

Người trồng rau an toàn gặp nhiều khó khăn do giá quá rẻ. Ảnh: Lê Phú


Vùng trồng rau an toàn xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì là vùng được thành phố Hà Nội chọn làm điểm xây dựng mô hình sản xuất RAT theo hướng VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với sản phẩm rau và quả Việt Nam). Tham gia mô hình, người trồng rau an toàn được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau cụ thể. Công tác vệ sinh đồng ruộng, đặc biệt là thu gom vỏ bao bì của thuốc sau khi sử dụng cũng được nông dân thực hiện nghiêm túc. Không những thế, một số loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, thuốc sinh học, thảo mộc cũng được bà con đưa vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng cho cây rau.

Theo Hội Nông dân xã Yên Mỹ: Do quy trình sản xuất rau chặt chẽ, cây rau đạt chất lượng cao nên mỗi ngày, người trồng rau Yên Mỹ cung cấp cho thị trường Hà Nội gần 20 tấn rau sạch các loại; nhưng lượng RAT của người trồng rau ở xã này “vào” được các siêu thị chỉ chiếm khoảng hơn 30%, còn lại bà con vẫn phải bán tự do, trôi nổi trên thị trường. Người trồng RAT băn khoăn đã đành, không ít các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ RAT ở Hà Nội cũng chưa thực sự yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâu dài. Đại diện Công ty TNHH Hương Cảnh, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư tổ chức sản xuất RAT trên diện tích 50 ha theo hướng VietGap tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết: Công ty đã đầu tư gần 7 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện nhà sơ chế RAT trên diện tích 2.200 ha/ngày tại Văn Đức, gồm các hạng mục chính như nhà xưởng, nguồn nước sạch, bể rửa rau, bể sục, bàn đóng gói, kho lạnh bảo quản… Công ty cũng cam kết thu mua 100% sản phẩm RAT của nông dân tại đây theo giá thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, với hình thức bán “ký gửi”, không ổn định tại một số siêu thị, vào những thời điểm rau thu hoạch nhiều, RAT thật khó cạnh tranh được với rau thường về giá thành nên doanh nghiệp khó có thể thu được lợi nhuận ổn định từ kinh doanh rau an toàn.

Như vậy, có thể thấy, việc chỉ đạo, giám sát, nâng cao kỹ thuật cho người sản xuất RAT ở Hà Nội đã được tổ chức hết sức bài sản và chặt chẽ. Song nguyên nhân khiến rau an toàn vẫn khó tiêu thụ là do việc tổ chức xây dựng, phát triển mạng lưới tiêu thụ chưa hợp lý và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đối với sản phẩm này.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Đi đôi với khâu sản xuất, ngành đang phối hợp với Sở Công thương và các quận, huyện, thị xã bố trí thêm nhiều điểm bán RAT tại những vị trí thuận tiện cho người tiêu dùng. Sở cũng hỗ trợ kinh phí cho các điểm, quầy bán RAT nhằm giúp người trồng rau và các doanh nghiệp kinh doanh giảm bớt chi phí thuê cửa hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như làm "cầu nối” mời lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận, các doanh nghiệp về thăm các vùng trồng RAT và tìm hiểu chất lượng, chủng loại rau để từng bước ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài... cũng được các cơ quan chức năng như Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông thành phố tăng cường thực hiện.

Thanh Trà
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN