Quyết tâm dập dịch lở mồm long móng

Dịch lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp tại 39 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dịch bệnh chưa được khống chế kịp thời trong thời gian qua do nhiều địa phương chủ quan trong phòng chống dịch, lượng vắcxin thiếu hụt so với nhu cầu...

Giấu dịch để... chữa bệnh kiếm tiền

Sáng 6/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc.

Kiểm tra lâm sàng bệnh lở mồm long móng trên đàn bò của một hộ chăn nuôi ở huyện Ba Tri (Bến Tre). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), xuất hiện từ tháng 9/2010, đến nay dịch đã lan ra trên 1.600 xã, phường, thị trấn của 241 huyện, quận, thị xã thuộc 39 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Trong đó, dịch xảy ra nặng nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc là: Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và hai tỉnh phía Nam là Kon Tum, Tiền Giang. Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và miền Bắc, dịch xảy ra chủ yếu trên trâu, bò; tại các tỉnh miền Nam, dịch xảy ra chủ yếu trên đàn lợn.

Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát là do chính quyền và người dân tại một số địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch và tiêm phòng. Thậm chí, một số địa phương được cấp vắcxin nhưng không triển khai tiêm do chưa có kinh nghiệm tiêm phòng LMLM.

Nhân viên thú y tiêm vắcxin phòng chống dịch lở mồm long móng cho đàn bò của một hộ chăn nuôi ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


“Nguy hiểm nhất là tình trạng một số cán bộ thú y cơ sở giấu dịch để chữa bệnh kiềm tiền, khi dịch lan rộng mới báo cáo. Công tác giám sát, phát hiện dịch bị buông lỏng, trung bình sau gần 1 tháng phát dịch mới báo cáo, có nơi sau gần 3,5 tháng ổ dịch xảy ra mới báo cáo” - ông Năm nói.

Theo phản ánh của hầu hết các địa phương tại Hội nghị, do các đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm mất sức đề kháng của đàn gia súc; đồng thời, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thả rông khiến dịch dễ lây lan. Việc kiểm soát dịch khó khăn hơn do nguồn vắcxin thiếu hụt trầm trọng, lực lượng thú y xã mỏng.

Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y, trong khi phải bao quát hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm nên không thể kiểm soát hết được. Ngoài ra, thiếu vắcxin đang là vấn đề nan giải.

Cùng quan điểm trên, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, lượng vắcxin không đáp ứng đủ, kịp thời khiến việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đội ngũ thú y xã cần được nâng cao trình độ.

Quyết tâm dập dịch

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, công tác phòng chống dịch LMLM đã triển khai trong nhiều năm qua nhưng năm nay dịch lây lan mạnh tới 39/63 tỉnh, thành (chiếm 15 - 16%) với 34.000 gia súc mắc bệnh. Điều này chứng tỏ, chúng ta đã phòng chống dịch không hiệu quả. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì tình hình sẽ tiếp tục xấu đi và đe dọa tới sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Tổng số gia súc mắc bệnh là 133.800 con, trong đó 67.800 con trâu, 23.500 con bò, 40.900 con lợn và gần 1.500 con dê. Số gia súc phải tiêu hủy là 5.300 con trâu, 850 con bò, 30.000 con lợn và 160 con dê. Theo nhận định, virút LMLM hiện đang lưu hành ở Việt Nam vẫn là dạng type O, trong đó ở miền Bắc chủ yếu là type O Myanmar 98 còn ở miền Nam là type O Pan Asia. Tuy nhiên, chủng virút này có nhiều biến đổi so với trước và có xu hướng gây ra tỷ lệ chết cao, nhất là trên lợn. Trong khi đó, nước ta vẫn chưa sản xuất được vắc xin LMLM mà phải nhập khẩu hoàn toàn.

Theo Cục Thú y, mục tiêu là khống chế dịch trong tháng 4/2011, trong đó tập trung vào 3 giải pháp lớn là: Tiêm phòng vắcxin; giám sát, phát hiện sớm và quản lý chặt ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc.

Chỉ đạo công tác chống dịch, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, các Cục, Viện phải về địa phương lấy mẫu và báo cáo sớm bản đồ vùng dịch. Cần phải làm rõ loại virút nào đang “hoành hành” tại các địa phương, từ đó sẽ cung cấp vắcxin đúng chủng loại. Ngoài ra, phải tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thú y lấy mẫu.

Những tỉnh nào đã có dịch, phải chỉ đạo cấp xã, thôn kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ gia súc. Kiên quyết không đưa gia súc nhiễm bệnh đã chữa khỏi triệu chứng sang địa phương khác.

Năm nay, dịch LMLM ở nước ta và một số nước trong khu vực lại bùng phát mạnh nên nhu cầu vắcxin rất lớn, trong khi các nhà sản xuất vẫn cung cấp theo kế hoạch dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắcxin.

“Do việc mua vắcxin rất khó, nên phải tổ chức tiêm đúng quy định, không để lãng phí. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra, xử lý các cán bộ không làm đúng công tác phòng chống dịch bệnh như cố tình cấp giấy chứng nhận sai, không báo cáo khi xuất hiện dịch tại địa phương” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN