Quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế

Tinh giản biên chế là một đòi hỏi bức thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu này cần những giải pháp quyết liệt và toàn diện.

Lãng phí nhân lực

Có mặt tại Trạm y tế xã Tình Húc (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) trong những ngày tháng 12/2014, chúng tôi không thấy bóng dáng một người dân nào đến khám chữa bệnh. Tại trạm chỉ có hai bác sĩ ngồi trực. Bác sĩ Lương Thị Kim Dung, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tình Húc cho biết, do trạm chỉ cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 1km nên người dân khi có bệnh hoặc cần thăm khám sức khỏe là họ lên tuyến trên luôn. Hiện trạm có 4 nhân viên nhưng chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng, phối hợp với các trường học làm y tế học đường,…

Chuyện ở Trạm y tế xã Tình Húc cũng là thực trạng chung của hệ thống y tế tuyến xã hiện nay tại Quảng Ninh. Các trạm y tế đều được đầu tư về trang thiết bị nhưng trình độ chuyên môn cán bộ còn yếu, việc tiếp cận dịch vụ của người dân ít dẫn đến lãng phí. Bên cạnh đó, theo khuôn mẫu mô hình tổ chức bộ máy đã cài đặt sẵn, cứ Trung ương có gì địa phương nhất định phải có cái đó thế nên tại Quảng Ninh mới có tình trạng trong 1 thành phố vừa có bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương nhưng vẫn có tới 5 đầu mối về lĩnh vực y tế.

Bác sĩ trạm y tế xã thuộc huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khám bệnh cho người dân. Ảnh: Lan Hương


Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Xuân Diện cho biết, hiện nay ngành y tế Quảng Ninh có tới 51 đầu mối trực thuộc Sở, trong đó có 42 đơn vị sự nghiệp y tế, 14 phòng y tế và 14 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, 186 trạm y tế xã, phường. Sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ đã khiến cho ngành y thừa về đầu mối, lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Nhận thức được vấn đề này, việc điều chỉnh chức năng của trạm y tế, trung tâm y tế và thu gọn đầu mối y tế ở tuyến xã và tuyến huyện đã được Quảng Ninh tính đến. Sau khi thực hiện việc tinh giản, sắp xếp lại, ngành y tế Quảng Ninh sẽ giảm được 10 đầu mối đơn vị, tinh giản được 326 biên chế, tiết kiệm được 337 tỷ đồng không phải chi cho đầu tư và giảm được gần 10 tỷ đồng chi cho hoạt động con người mỗi năm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, trên phạm vi toàn quốc, số lượng cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay là khoảng 2,8 triệu người. Nếu tính cả đội ngũ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì có khoảng 7,5 triệu người (chiếm 8,3% dân số hiện nay). Tuy nhiên, số lượng lại không tương xứng với chất lượng. Dư luận lâu nay vẫn râm ran về chuyện 30% cán bộ, công chức không có cũng được bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không đáp ứng được yêu cầu công vụ. Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt vấn đề: Vì sao từ lâu và nhiều lần chúng ta đã bàn, thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện?

Lý giải về chất lượng công chức, viên chức hiện nay, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, đó là do quan niệm về bằng cấp, cộng với quy định hành chính và nhiều lý do khác khiến người học không đến nơi đến chốn và người học nghiêm túc cũng được đánh giá ngang nhau. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động (người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị) không bị ảnh hưởng gì khi biên chế tăng lên. “Vậy làm thế nào để người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định tăng, giảm nhân sự của mình thì mới mong cải cách được?”, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh.

Trao thêm quyền cho người đứng đầu


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thừa nhận, khó khăn lớn nhất trong tinh giản biên chế chính là quyết tâm thực hiện của người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trước đây, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ tinh giản biên chế chưa được làm rõ, nhiều nơi vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, dẫn đến trong bộ máy công vụ còn nhiều người không làm được việc. “Lần này việc tinh giản biên chế sẽ giao thẩm quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế với các tỉ lệ tự xác định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (6 tháng 1 lần). Khi đã được phê duyệt thì phải tuân thủ chấp hành nghiêm, trong đó phải đạt được tỉ lệ tinh giản đã tự xác định theo từng đơn vị cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển đề xuất phải trao thêm quyền cho người đứng đầu. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có quyền trong việc chi trả lương cho nhân viên thì phải chịu trách nhiệm và chịu những hình phạt khi tuyển dụng hoặc quản lý nhân viên không hiệu quả. “Thủ trưởng có quyền từ chối tăng lương cho nhân viên nếu nhân viên làm việc không hiệu quả. Cách đánh giá này chính là động lực thúc đẩy tính năng động của nhân viên”, ông Khiển cho biết.

Ông Khiển cũng nhấn mạnh, tinh giản bộ máy nhưng gắn liền với đó là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ. Bởi có cải cách hành chính thì mới bỏ được nhiều khâu không cần thiết, giảm bớt quy trình công việc, thu gọn đầu mối tránh tình trạng lãng phí.


Thu Phương - Lan Hương
Không tăng biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập
Không tăng biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện việc không tăng biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN