Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn an toàn

Trao đổi với Tin tức, ông Lê Quang Trung (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ- TB&XH) cho biết, qua tính toán việc thu chi cho thấy, Quỹ BHTN đang trong tầm kiểm soát.

Thưa ông, theo nhiều ý kiến, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn có thể vẫn tiếp diễn. Vì vậy, nhiều người lo ngại tình trạng thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ đe dọa đến Quỹ BHTN. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

Đúng là hiện nay tình hình khó khăn, tăng số lao động thất nghiệp và tăng số lao động hưởng BHTN. Cũng có ý kiến nói đến nguy cơ vỡ quỹ. Nhưng đây là cách nghĩ phiến diện. Trong thực tế hiện nay, với điều kiện số người tham gia BHTN tăng, không thể có chuyện vỡ quỹ được. Trong phương án an toàn mà chúng tôi dự tính, tỷ lệ số người hưởng bảo hiểm trên tổng số người tham gia khoảng 8% mới đáng ngại. Chứ thời điểm hiện tại mới chiếm 3,6% nên không đáng lo.

Vậy ông có ý kiến gì trước dư luận cho rằng có chuyện trục lợi quỹ BHTN?

Việc trục lợi Quỹ BHTN có biểu hiện thứ nhất là doanh nghiệp chậm đóng BHTN, đóng không đúng, không đầy đủ cho người lao động. Hiện tượng này hiện nay rất nhiều. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều biện pháp: tuyên truyền vận động, nhắc nhở, thậm chí khởi kiện doanh nghiệp. Hình thức khác là trục lợi liên quan đến sử dụng quỹ: chủ và thợ thỏa thuận với nhau để giải quyết chế độ. Từ khi triển khai chính sách BHTN, Bộ LĐ - TB&XH đã tính đến các phương án, tình huống, khả năng trục lợi có thể xảy ra. Đặt ra các tình huống như thế để yêu cầu các địa phương chú ý xem xét, phát hiện; nhưng trên thực tế, theo nắm bắt của các cơ quan quản lý là chưa phát hiện trường hợp nào.

Theo phản ánh, có trường hợp người lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách ở chỗ: làm được 1 năm, đóng đủ 12 tháng BHTN thì sẽ nghỉ để được hưởng 3 tháng. Sau đó 1 năm họ lại nghỉ tiếp để hưởng thêm 3 tháng nữa. Ông bình luận gì về điều này?

Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM.


Đó không phải là trục lợi mà thực chất, đó là người lao động đang thực hiện đúng quyền lợi. Trong luật đã quy định điều này rồi.

Khi xây dựng Luật Việc làm, chúng tôi đã tính đến phương án để bảo đảm mức tối thiểu để một người khi thất nghiệp sẽ được bảo đảm điều kiện sống tối thiểu. Đồng thời, hạn chế sự thôi việc.

Theo tôi, tình trạng người lao động lạm dụng điều này không nhiều. Bởi thật ra, mức hưởng 3 tháng với 60% tiền lương, nếu lương thấp thì không thể đủ sinh hoạt, chưa nói đến việc hàng tháng đến trình diện cơ quan quản lý, hoặc trực tiếp giám sát rất phiền hà với người lao động.

Nhiều lao động phàn nàn, làm thủ tục BHTN một nơi, nhận trợ cấp thất nghiệp ở một nơi khác. Có biện pháp nào thuận tiện hơn cho người lao động không, thưa ông?

Thực tế, người lao động mong muốn trung tâm giới thiệu việc làm vừa là nơi đăng ký vừa là nơi trả trợ cấp thất nghiệp. Chúng tôi đã có đề nghị ủy thác cho Trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện chi trả. Chúng tôi sẵn sàng không nhận phí cho việc chi trả đó. Mục tiêu cao nhất là thuận lợi cho người lao động.

Thưa ông, trước những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện BHTN như hiện nay, Bộ LĐ - TB&XH sẽ có giải pháp gì?

Bộ LĐ - TB&XH đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 127/2008/NĐ - CP nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người lao động xem xét kéo dài thời hạn đăng ký BHTN và nâng mức hỗ trợ học nghề.

Chúng tôi cũng đang khẩn trương xây dựng Luật Việc làm, trong đó có nội dung Bảo hiểm việc làm. Bảo hiểm việc làm xây dựng trên cơ sở BHTN. Gồm có hai cấu phần: BHTN như hiện nay, sẽ làm hoàn thiện hơn, mức đóng vẫn như hiện nay; phần thứ hai là có các biện pháp để ngăn ngừa, hạn chế số người thất nghiệp.

Đồng thời, biện pháp quan trọng là nâng cao nhận thức cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, người lao động phải biết được chủ sử dụng lao động đã đóng BHTN cho mình hay chưa? Trong Thông tư 32/2010/TT - BLĐ-TB&XH đã nêu rõ: Người lao động có quyền yêu cầu chủ sử dụng lao động thông báo việc đóng BHTN cho người lao động. Đây là công cụ pháp luật đã quy định, người lao động phải biết sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động phải đóng BHTN, bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm để theo dõi sát sao việc thực hiện BHTN nhằm cập nhật, phát hiện kịp thời những vướng mắc, những vấn đề có thể đặt ra như trục lợi BHTN, gian lận, chiếm dụng BHTN... để xử lý.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt BHTN, việc thực hiện các chính sách về hợp đồng lao động tiền lương, các quy định đối với người lao động là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Minh - Đan Phương

Không lo vỡ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều nguyên nhân gia tăng số đăng ký thất nghiệp
Không lo vỡ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều nguyên nhân gia tăng số đăng ký thất nghiệp

Số người đăng ký thất nghiệp liên tiếp tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua cân đối thu chi, các nhà quản lý khẳng định không có nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN