Quảng Ninh giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới

Mô hình “Nông dân tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới” tại Quảng Ninh thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới.

Chú thích ảnh
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với các tổ chức đoàn thể và hội viên nông dân trên địa bàn tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Mô hình “Nông dân tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới”

Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban chỉ hủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lựa chọn tổ chức triển khai mô hình “Nông dân tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới” tại 2 địa phương khu vực biên giới là xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) và xã Bắc Sơn (thành phố Móng Cái).

Xã Bắc Sơn là xã vùng cao biên giới của thành phố Móng Cái, có 404 hộ dân, 1.810 nhân khẩu với 4 dân tộc sinh sống (Kinh, Dao, Tày, Sán Chỉ). Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 86,2%; có đường biên giới dài 22,6 km, chiếm 1/3 chiều dài đường biên giới đất liền của thành phố Móng Cái. 

Còn xã Quảng Đức là xã biên giới của huyện Hải Hà, địa hình đồi núi, dân cư thưa thớt, có hơn 10 km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Đây là những địa bàn khá phức tạp mà các loại tội phạm lợi dụng để hoạt động. Do đó, việc lựa chọn xây dựng và duy trì mô hình có ý nghĩa quan trọng, phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp và Bộ đội biên phòng, góp phần xây dựng và quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. 

Ban chỉ đạo mô hình “Nông dân tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới” xã Bắc Sơn được thành lập, gồm 10 thành viên vào đầu năm 2023; trong đó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; Chủ tịch Hội Nông dân xã và Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn là Phó ban; các thành viên gồm Chủ tịch UB MTTQ xã, Trưởng Công an xã, Chỉ huy trưởng Ban chỉ hay Quân sự xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn Thanh niên và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bắc Sơn. 

Cùng với đó, xã cũng thành lập 3 tổ tuần tra an ninh trật tự khu vực biên giới, thực hiện mô hình gồm 15 người; đồng thời ban hành quy chế hoạt động của Tổ tuần tra, trong đó xác rõ vai trò, chức năng, nguyên tắc hoạt động của Tổ tuần tra.

Giữ vững vùng biên giới của Tổ quốc

Năm 2023, Ban Chỉ đạo mô hình xã Bắc Sơn đã tổ chức tuyên truyền được 14 buổi với 1.120 lượt hội viên nông dân và nhân dân tham gia; tuyên truyền nhỏ lẻ 21 lượt với 632 lượt người nghe; tuyên truyền trên loa truyền thanh, cấp phát 800 tời gấp pháp luật. Tổ tuần tra an ninh trật tự khu vực biên giới đã tuần tra 54 lượt với sự tham gia của 270 thành viên; có 20 tin, 8 tin giá trị do người dân cung cấp, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã. 

Ban Chỉ đạo mô hình ở xã Quảng Đức cũng đã chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tự giác, tự nguyện tham gia, thực hiện 5 “tự phòng”, 5 “tự quản”, 2 “tự hòa giải”, gìn giữ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ việc làm cho người lầm lỗi, hạn chế tội phạm vi phạm pháp luật. Mở 3 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 250 cán bộ hội viên, và thành viên BCĐ, Tổ tuần tra, hội viên Nông dân. Tổ chức học tập, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho hội viên Nông dân và người dân trên địa bàn...

Sau gần một năm tổ chức triển khai mô hình "Nông dân tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới" tại xã Quảng Đức và xã Bắc Sơn đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, góp phần đảm bảo cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân khu vực biên giới, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau quá trình triển khai mô hình "Nông dân tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới" đã có những kết quả tích cực cùng với việc tổ chức nhiều phong trào thiết thực đã cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực của tổ chức Hội Nông dân, sự phối hợp của lực lượng biên phòng từ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai đến sự vào cuộc của hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới, hải đảo. 

Thông qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, hải đảo; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người dân, tạo niềm tin cho nhân dân các dân tộc vùng biên giới, hải đảo tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, khơi dậy và duy trì tốt tình cảm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên nông dân các dân tộc trong tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ biên giới của Tổ quốc; phát huy phong trào quần chúng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới Tổ quốc trong tình hình mới...

Thu Trang/Báo Tin tức
Đồng hành cùng người dân biên giới vươn lên thoát nghèo
Đồng hành cùng người dân biên giới vươn lên thoát nghèo

Khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai là nơi có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn, với đa số là đồng bào thiểu số nghèo sinh sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN