Quan niệm của Phật giáo về ăn chay, ăn mặn

Ý kiến của TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban tôn giáo Chính phủ về một số điều cấm trong pháp giới của Phật giáo sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh một số vị sư “phạm giới” gây bức xúc trong dư luận.

Gần đây dư luận đang quan tâm về việc một số nhà sư tu hành trong chùa nhưng cách hành xử chưa được dư luận đồng tình như: uống rượu, ăn thịt, thậm chí có quan hệ bất chính, hay vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban tôn giáo Chính phủ về vấn đề này.

Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm. Ảnh: Ghpgvn

Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm về sự việc gần đây thông tin đại chúng đã nêu về một số vị sư “phạm giới”, khiến dư luận bức xúc?

Sau phóng sự qua Báo Lao Động phản ánh việc nhà sư ăn thịt, uống rượu,… Ban tôn giáo Chính phủ đã nhận được khá nhiều ý kiến của các vị sư Phật giáo. Trước hết, họ đồng tình về việc phản ánh sự việc có thật trong một số chùa như báo đã nêu để chỉ rõ mặt hạn chế của một số cá nhân, là nhà sư nhưng làm điều chưa đúng mục tiêu tu hành của Phật giáo là tu tâm lành, dưỡng tính thiện. Tuy nhiên, một số nhà sư cũng chưa thật đồng tình với cách thể hiện của phóng sự. Nội dung phản ánh không sai, nhưng cách thể hiện chưa được đúng như tinh thần Phật giáo bởi các bài phóng sự, khai thác vào những khía cạnh tiêu cực trong đời sống của một vài cá nhân mà chưa để ý tới cái tích cực của cả một hệ thống tôn giáo, quên đi rằng ảnh hưởng của Phật giáo là rất lớn trong đời sống xã hội. Những cá biệt đó không thể đại diện cho cái chung được, song cách viết đã làm ảnh hưởng tới cái chung.

Vậy theo ông, Phật giáo có bắt buộc ăn chay hay không? Trong giới luật của Phật giáo có cấm uống rượu, ăn thịt hay không?

Ăn chay hay ăn mặn trong giới luật Phật giáo không quy định, bởi thực tế từ xưa tới nay các vị sư tu theo Phật giáo Nam tông vẫn ăn mặn, do các vị sư tu theo hệ phái này phải giữ nguyên truyền thống từ khi Đức Phật còn tại thế. Thời đó do điều kiện sống của xã hội còn nhiều khó khăn, các vị sư thực hiện hạnh khất thực, tín đồ dâng cúng đồ ăn là chay hay mặn, sư đều phải nhận mà không có quyền lựa chọn. Về sau này khi Phật giáo phát triển trong bối cảnh xã hội có nhiều điều kiện đáp ứng cho việc ăn uống, ăn chay được thực hiện trong Phật giáo Bắc tông, tuy nhiên ở một số vùng do điều kiện sinh hoạt, do hoàn cảnh từ trước tới nay các vị sư tu theo Phật giáo Bắc tông vẫn ăn mặn mà không phạm giới.

Như vậy ăn mặn hay ăn chay xuất phát từ chính truyền thống tu tập và điều kiện hoàn cảnh sống của các vị sư ở từng địa phương, giới luật Phật giáo không cấm việc ăn mặn. Tuy nhiên do Phật giáo là tôn giáo từ bi, trí tuệ nên việc ăn chay được khuyến khích. Ăn chay giúp không phạm giới sát sinh đồng thời thực hiện được tâm từ bi của người xuất gia hoặc người tại gia tin theo Phật giáo. Ăn chay còn giúp thanh lọc cơ thể sạch, tốt lành hơn. Trong giá trị tâm linh, ăn chay không sát sinh thì không tạo ra trường năng lượng xấu ảnh hưởng tới trường năng lượng sống của con người, tạo nên những giá trị đạo đức, tâm linh tốt lành cho cuộc sống con người.

Còn về việc uống rượu, trong giới luật của Phật giáo có giới cấm không được uống rượu và dùng các đồ gây nghiện. Với rượu, giới luật không cấm tuyệt đối, Đức Phật cũng đã dạy nếu người không may bị ốm đau, bệnh tật mà cần dùng rượu làm một loại dẫn thuốc để chữa bệnh thì có thể dùng rượu trong lúc đó, nhưng nếu không phải vì chữa bệnh mà dùng rượu thì đó là phạm giới, người xuất gia tu hành ngày ngày uống rượu say xỉn trong chùa thì phạm giới luật của Phật giáo.

Vậy còn việc lấy vợ lấy chồng, quan hệ nam nữ của người xuất gia tu hành, thưa ông?

Trong giới luật nguyên thủy của Phật giáo thì cấm người xuất gia tu hành lấy vợ, lấy chồng. Trong Phật giáo Việt Nam cũng như tuyệt đại đa số các nước trên thế giới hiện nay người xuất gia tu hành không lấy vợ lấy chồng, vì đạo Phật đã quy định những người xuất gia là những người cắt ái, li gia, có nghĩa là cắt bỏ tình yêu vợ chồng, rời bỏ gia đình để tự nguyện tu hành theo những quy định ngặt nghèo, khắt khe của giới luật Phật giáo để tự rèn luyện mình, làm tấm gương cho đời sống xã hội về đạo đức, lý tưởng, trí tuệ. Nếu người xuất gia tu hành lấy vợ, lấy chồng là trái với giới luật Phật giáo, trái với đạo đức của xã hội mà người Việt Nam quan niệm từ xưa tới nay.

Với một số hiện tượng sai phạm, cơ quan quản lý nhà nước có hình thức nhắc nhở, khiển trách hay xử phạt không, thưa ông?

Việc sai phạm trong thực hiện giới luật Phật giáo, tùy theo mức độ mà cơ quan nhà nước có biện pháp và hình thức xử lý. Nếu sai phạm thuần túy vi phạm giới luật Phật giáo thì do tổ chức Giáo hội Phật giáo điều chỉnh, uốn nắn. Nếu vi phạm giới luật Phật giáo nhưng đồng thời vi phạm pháp luật nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền trong quản lý hoạt động tôn giáo sẽ xử lý theo pháp luật. Trong trường hợp phóng sự đã nêu, chúng tôi đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam và địa phương kiểm tra đánh giá đúng mức độ vi phạm và có hình thức xử lý. Nếu vi phạm giới luật Phật giáo thì tổ chức Giáo hội có hình thức điều chỉnh, nếu vi phạm pháp luật như xây dựng trong chùa di tích nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì chính quyền phải có biện pháp ngăn ngừa và xử lý. Qua vụ việc này Giáo hội cần chặt chẽ hơn trong quản lý hành chính đạo, sâu sát đến từng chùa, từng vị sư. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp cũng phải sâu sát trong quản lý từ cơ sở.

Xin cảm ơn ông!
Kiều Hà
Chạm vào những báu vật Phật giáo
Chạm vào những báu vật Phật giáo

Cuốn “Chạm vào những báu vật Phật giáo” của nhà báo Chu Minh Khôi tập hợp 49 bài viết về đề tài Phật giáo đã ra mắt bạn đọc đến cuối năm 2014. Nội dung cuốn sách phác họa được một phần diện mạo của khối di sản văn hóa Phật giáo đồ sộ tại nước ta...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN